Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Những động thái kinh tế Việt Nam nổi bật đến giữa năm và dự báo cả năm 2013

Bơm 40.000 tỷ vào nền kinh tế mỗi tháng

Về gói 30 nghìn tỷ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phấn đấu đến hết năm 2013 giải ngân được khoảng 15 - 20 nghìn tỷ đồng.

Là thành viên cuối cùng của Chính phủ đăng đàn trong phiên trả lời chất vấn chiều nay 14/6 tại Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hộicác nhiệm vụ cần quan tâm trong thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng, trong 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,06%; 5 tháng tăng 2,35%, là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; dư nợ tín dụng chuyển dịch theo hướng tốt hơn, tăng 2,98%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.
Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Xuất khẩu tăng 15,1%, nhập khẩu tăng 16,8%.Vốn FDI đăng ký đạt 8,52 tỷ USD, tăng 8,9%; giải ngân đạt 4,58 tỷ USD, tăng 1,6%; giải ngân vốn ODA đạt 1,5 tỷ USD, bằng 31,3% kế hoạch cả năm, cao hơn so với cùng kỳ (25%)…
Tuy nhiên, kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; theo dõi sát diễn biến tình hình để điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách, nhất là về tài khóa - tiền tệ, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà Quốc hội đã đề ra.
Phó Thủ tướng cũng đã có phần giải trình bổ sung một số nội dung liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Về tín dụng, xử lý nợ xấu, theo Phó Thủ tướng, thời gian tới sẽ triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, thực thi các chương trình hỗ trợ nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, cà phê, cá tra, tôm...
Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất đối với các khoản tín dụng đã vay. Tháo gỡ khó khăn, hướng dòng vốn tín dụng vào các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có thị trường, cho vay tiêu dùng cá nhân, kích thích sức mua, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế.
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2013 là 12%, bình quân hàng tháng sẽ có thêm khoảng 40 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu theo Đề án đã được phê duyệt. Khẩn trương đưa Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đi vào hoạt động để tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao trên 3%.
Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tín dụng thành lập công ty quản lý tài sản của mình để xử lý nợ xấu. Phấn đấu đến cuối năm, sẽ xử lý được khoảng 105 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn vào năm 2015.
Về tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho thị trường bất động sản và tạo điều kiện nhà ở cho nhân dân. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thực hiện hỗ trợ cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 02/NQ-CP với tổng số tiền dự kiến khoảng 30 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý các vướng mắc để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này, phấn đấu đến hết năm 2013 giải ngân được khoảng 15 - 20 nghìn tỷ đồng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội.

Thành Hưng
Theo Trí Thức Trẻ

Những động thái kinh tế Việt Nam nổi bật đến giữa năm và dự báo cả năm 2013

 (Tamnhin.net) - Về tổng thể, năm 2013 sẽ vẫn là năm khó khăn chung của cả nền kinh tế thế giới và của Việt Nam. Các dự báo kinh tế của hầu hết các tổ chức và quốc gia vẫn thường xuyên bị điều chỉnh theo hướng giảm xuống. Kinh tế Việt Nam năm 2013 được ghi nhận bởi một số động thái chủ yếu sau.

Thứ nhất, chỉ số CPI sẽ dưới một con số là chắc chắn, với ước tính khoảng trên dưới 7,5% theo dự báo của ADB. Ngoài ra, giá thực phẩm tăng cao, sản lượng lúa tăng, nhưng tỷ lệ hộ chăn nuôi trống chuồng lại tăng và trong quý I/2013, giá xuất khẩu giảm mạnh (năm trước giảm tới 11%, 3 tháng năm nay giảm 10,2%); nếu Chính phủ không cho mua tạm trữ thì giá lương thực ở trong nước còn giảm sâu hơn nữa. Giá chi phí đầu vào tăng, giá bán ra tăng chậm, trong khi giá hàng tiêu dùng phi lương thực tăng cao hơn. Tâm lý tiết kiệm tiêu dùng vẫn chưa được cải thiện.

Thứ hai, GDP cả năm GDP sẽ tăng ở mức cao hơn năm 2012 một chút, tức sẽ tăng từ 5,2-5,5%. ; rất có thể năm 2013 sẽ là năm thứ hai liên tiếp ghi nhận kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn mức trung bình của khu vực. Đối với Việt Nam, ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2013 xuống còn 5,2% (so với mức 5,7% mà ADB đã đưa ra 6 tháng trước) và sẽ tăng lên mức 5,6% trong năm 2014. Lạm phát trung bình năm 2013 dự kiến sẽ vào khoảng 7,5% tại thời điểm cuối năm 2013, tăng lên 8,2% trong 2014, mức thấp hơn so với dự báo trước đây. Thặng dư thương mại dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 12,5 tỷ USD trong năm 2013 và thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tiếp tục tăng trong năm nay và sẽ giảm nhẹ trong năm 2014. ADB cũng nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài (FDI); đồng thời, khả năng duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại 7 - 8% của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng ổn định, thực hiện thành công các cải cách cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh một cách toàn diện hơn, tập trung vào kiểm soát quy mô nợ xấu, lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Cùng quan điểm trên, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố hôm 16/4, IMF dự báo, năm 2013 và 2014 của Việt Nam tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 5,2%, tăng lên 5,5% vào năm 2018; lạm phát lần lượt là 8,8% và 8%; thâm hụt tài khoản vãng lai lên 2,2% so với mức 1,6% năm 2012. UNDP, trong Báo cáo điều tra tình hình kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2013 công bố sáng 18/4, cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vào 6 tháng cuối năm 2013 và GDP cả năm sẽ tăng lên mức 5,5%.

Thứ ba, vốn đầu tư xã hội tiếp tục trầm lắng, nhưng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước sẽ tăng hơn vào nửa cuối năm. Trong quý I/2013, đầu tư của khu vực này có tốc độ tăng 11,6% cao hơn tốc độ chung 5,5%, nên tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã cao hơn cùng kỳ năm trước (36,9% so với 34,9%). Đây là xu hướng tích cực trong quá trình cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư xã hội và là kết quả ghi nhận bước đầu của thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành đầu năm 2013.

Thứ tư, thu hút FDI sẽ được cải thiện hơn cả về vốn đăng ký, bổ sung, cũng như vốn giải ngân. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2013, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm FDI là 6,034 tỉ đô la, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2012; đồng thời, vốn giải ngân lên tới 2,7 tỉ đô la, tăng hơn 7% so với cùng kỳ trước. Điều này cho phép Việt Nam tự tin điều chỉnh chỉ tiêu thu hút tới 16,3 tỷ USD so với mức dự kiến 13- 14 tỷ USD của kế hoạch đã thông qua cho năm nay. Cơ cấu vốn đầu tư đã tập trung đúng hướng, với 91,8% vốn trong ngành công nghiệp chế biến và chủ yếu đến từ Nhật Bản, Singapore và Nam Triều Tiên... Khu vực FDI đã đóng góp tích cực đối với tăng trưởng GDP, thu ngân sách, giải quyết việc làm, chiếm 64,8% tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2013 của cả nước.

Thứ năm, tổng kim ngạch hàng hóa xuất và nhập khẩu sẽ gia tăng và tái nhập siêu sẽ đậm nét hơn. Trong cả 3 tháng đầu năm, cả nước vẫn xuất siêu khoảng 270 triệu USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,76 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 29,49 tỷ USD, tăng 17,7% so với kết quả thực hiện của 3 tháng năm 2012. Hy vọng mức 126 tỷ USD xuất khẩu cả năm 2013 sẽ có tính khả thi cao và tạo động lực tích cực cho tăng trưởng, việc làm và ổn định kinh tế chung. Hơn nữa, khu vực doanh nghiệp trong nước đã xuất siêu ( năm 2012 nhập siêu), cán cân thanh toán và dự trữ ngoại tệ tăng, tỷ giá ổn định cũng là những điểm nhấn tích cực trong quý I/2013. Tuy nhiên, nhập siêu 5 tháng qua tới gần 2 tỷ USD cho thấy xu hướng nhập siêu sẽ đậm hơn năm trước.

Thứ sáu, cơ hội phục hồi và mở rộng sản xuất đối với một số doanh nghiệp đang đậm dần, nhất là với các doanh nghiệp có phương án hữu hiệu chủ động tái cấu trúc, nắm bắt và xử lý sớm thông tin, phản ứng nhanh nhậy và tiếp cận với các nguồn vốn, nguồn cung cấp thiết bị, máy móc giá rẻ, tham gia ngày càng chặt chẽ, hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc, phân công lao động và hiệp tác kinh tế chung, các chuỗi cung ứng và giá trị gia tăng trên thị trường trong nước và quốc tế...Việc Chính phủ thông qua và triển khai các Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế trong quý I/2013 với nỗ lực giảm các gánh nặng lãi suất và các gánh nặng tài chính, thể chế cho doanh nghiệp, sự tiếp tục gia tăng các hoạt động M&A cùng với làn sóng tái cấu trúc các DNNN cũng như toàn bộ nền kinh tế đã, đang và sẽ góp phần tạo và tô đậm hơn nhiều hy vọng cải thiện kinh tế cả cấp vĩ mô, cũng như vi mô.

Thứ bẩy, nợ xấu, hàng tồn kho, sức mua thị trường và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp vẫn là những nút thắt kinh tế đáng quan ngại, mặc dầu theo báo cáo của NHNN nợ xấu đã có sự cải thiện về tỷ lệ, giảm từ 8% xuống còn 6%; cũng như đang có dấu hiệu tích cực chuyển đổi dòng sản phẩm nhà ở xã hội trên thị trưởng bất động sản.

Thứ tám, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chậm được cải thiện, với mức quý I/2013 ước đạt 636,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012 (nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân, thì tăng 4,5% thấp hơn tốc độ tăng 4,7% của cùng kỳ năm trước và thấp hơn tốc độ tăng GDP cùng kỳ); Nếu xét cơ hội mở rộng cầu trong cả năm với 2 Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, là mùa cưới hỏi, du lịch, thì đây là con số không cao và cho thấy tổng cầu trong nước giảm.

Thứ chín, du lịch thiếu động lực, với lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm khá mạnh tới 6,2% so cùng kỳ năm trước là dấu hiệu cho thấy áp lực tiết giảm chi tiêu của người dân các nước đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngành dịch vụ hàng đầu này của Việt Nam; đồng thời cũng cho thấy cần nhiều hơn các nỗ lực cải thiện hiệu quả xúc tiến quảng bá hình ảnh và nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành du lịch quốc gia.

Thứ mười, lần đầu tiên xuất hiện tình trạng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thấp hơn số doah nghiệp dừng hoạt động và phá sản trong quý I/2013 trên phạm vi cả nước nói chung. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị đăng ký kinh doanh 16/4, trong quý I/2013, cả nước có 15.707 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 79.389 tỷ đồng. So với quý I/2012 thì số DN đăng ký thành lập mới giảm 6,8% và số vốn đăng ký giảm 16,1%.

So với quý IV/2012 thì số lượng DN thành lập mới giảm 9,4% và số vốn đăng ký giảm 26,7%. Trong quý I/2013, cả nước có 2.272 DN hoàn thành các thủ tục giải thể DN, giảm 14% so với quý I/2012 và giảm 8,1% so với quý IV/2012. Cũng trong quý I/2013, cả nước có 13.011 DN khó khăn phải dừng hoạt động. Trong đó, 3.567 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động và 9.444 DN ngừng hoạt động, nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.

Thứ mười một, tỷ lệ thấp nghiệp xã hội tiếp tục tăng, ở khu vực thành thị là 3,4% và thiếu việc làm ở nông thôn là 4%, cao hơn cùng kỳ và tập trung trong ngành công nghiệp-xây dựng.

Thứ mười hai, thu NSNN cũng tiếp tục có những áp lực,  thu ngân sách quý I/2013 chỉ đạt 20,6%, so với thông thường phải đạt 25-27%. Áp lực cân đối NSNN còn bị gia tăng bởi nhiều nguy cơ bất ngờ về hiện tượng thời tiết cực đoan và dịch bệnh trong chăn nuôi.

Thứ mười ba
, tỷ giá ổn định là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và tỷ giá năm 2013 sẽ tăng không quá 2% như cam kết của NHNN...

Nhìn chung, những động thái kinh tế lớn nhất trong năm 2013 về cơ bản vẫn là những vấn đề tồn dư và quán tính của năm 2012, trong đó nổi bật là những nút thắt về nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách DNNN, quản lý đầu tư công và nợ công, hâm nóng trở lại thị truờng bất động sản. Năm 2013 khả năng Việt Nam đạt yêu cầu tăng trưởng GDP cao hơn năm 2012 là khá chắc chắn; còn mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2012 là khá khó khăn, vì CPI của quý I/2013 đã chiếm gần 37% mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 6-6,5% của cả năm mà Chính phủ đề ra; trong khi, thời gian tới sẽ tăng lương và một số địa phương tiếp tục tăng giá viện phí theo Thông tư liên tịch 04 và học phí năm học 2013- 2014 theo Nghị định 49; áp lực tăng giá điện do hạn hán và tăng giá than cũng đang hiện hữu…

Để tiếp tục cải thiện tình hình, nhất là gỡ khó cho doanh nghiệp và duy trì động lực phát triển kinh tế, các giải pháp cần được triển khai đồng bộ và quyết liệt hơn theo h ướng giảm nhẹ đồng thời cẩ 3 gánh nặng cho doanh nghiệp và nền kinh tế về chi phí tài chính, chi phí vốn và chi phí hành chính. Doanh nghiệp phải chủ động tiếp tục giảm giá bán, đưa hàng hóa về nông thôn, thúc đẩy tái cơ cấu cả về danh mục đầu tư và sản phẩm, lao động và quản trị, nguồn vốn và quản trị...

Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, khuyến khích thu hút FDI và các hoạt động M&A trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và chuyển nhượng dự án kinh doanh; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp đồng bộ, minh bạch và hiệu quả, tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước khi gia nhập thị trường; trong đó hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia cần tích hợp đầy đủ cơ sở dữ liệu các loại hình doanh nghiệp; thống nhất quy trình lưu trữ giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và ngành thuế trong cấp chung mã số doanh nghiệp. Hỗ trợ mạnh hơn cho đầu tư sản xuất thưc ăn chăn nuôi nhằm cải thiện tình trạng giá cả thức ăn chăn nuôi ngày càng đắt đỏ và bị phụ thuộc nặng vào nước ngoài như thời gian qua; tạo điều kiện cao nhất và toàn diện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua các rào cản thương mại; đồng thời, cần tiếp tục sử dụng tập trung đầu tư công nhằm tạo thuận lợi và kích thích đầu tư ngoài ngân sách, khơi thông và ổn định các thị trường đầu ra cho nền kinh tế, nhất là cho sản phẩm nông nghiệp...

Nợ xấu sẽ được cải thiện khi các ngân hàng thương mại tăng trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu và phân loại nợ đúng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo tuân thủ các quy định mới. Về việc thành lập Công ty quản lý tài sản để mua lại các khoản nợ xấu, ADB cho rằng việc đảm bảo đủ kinh phí để công ty hoạt động là yếu tố thiết yếu cho sự thành công, đồng thời cần có quy trình định giá tài sản minh bạch và hành lang pháp lý cho phá sản...

TS.Nguyễn Minh Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét