Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Chống lãng phí bằng lượng hóa năng lực cán bộ

  TS Vũ Minh Khương
Từ ĐH Harvard (Hoa Kỳ),TS. Vũ Minh Khương đã gửi đến Quốc Hội Việt Nam đề xuất có tính đột phá về chống lãng phí. VNnet xin giới thiệu bài viết này với rất nhiều tâm đắc.
Thảo luận của Quốc hội về dự luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí đã thu hút được nhiều chú ý của người dân bởi tình trạng lạm dụng công quĩ và lãng phí của công trong cán bộ có chức quyền đã trở thành căn bệnh trầm kha.
Tuy nhiên, chắc ít ai tin rằng đạo luật này, cho dù được chuẩn bị chi tiết đến đâu, có thể đem lại một chuyển biến thực sự. Câu chuyện “mua xe công và sử dụng xe công” mà PTT Nguyễn Sinh Hùng đưa ra là một ví dụ điển hình. Nó cho thấy rằng, trong cơ chế của ta, qui định dù chặt chẽ đến đâu cũng không đủ để ràng buộc hành vi của người có quyền chức nếu không có cơ chế buộc mỗi người phải luôn luôn tự giác kiềm chế bản thân.
Vì vậy, trong bài viết ngắn này, tôi đề nghị Quốc hội xem xét một phương pháp khá hữu hiệu, đã được sử dụng rộng khắp trong nhiều lĩnh vực, nhằm giúp các cán bộ có chức quyền, không chỉ ý thức rõ phải sống cần kiệm gương mẫu, mà còn phải không ngừng rèn luyện nâng cao các phẩm chất then chốt khác của người lãnh đạo. Đó là phương pháp đánh giá định kỳ cán bộ trên những tiêu chí then chốt thông qua cơ chế “tập trung dân chủ”, sức mạnh cốt lõi của chế độ ta.
Phương pháp này, một cách sơ lược, gồm các nội dung sau :
5 tiêu chí đánh giá định kỳ :
1- Tầm nhìn và khả năng hoạch định chiến lược.
2- Năng lực điều hành công việc.
3- Đoàn kết nội bộ.
4- Uy tín trong nhân dân.
5- Cần kiệm và gương mẫu trong cuộc sống cá nhân và gia đình .
Người đánh giá
1- Lãnh đạo cấp huyện/quận (từ trưởng phòng đến các phó chủ tịch và chủ tich huyện/quận) do đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện/quận đánh giá.
2- Lãnh đạo cấp tỉnh/thành phố (từ giám đốc sở đến các phó chủ tịch và chủ tich UBND tỉnh/thành phố) do các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh/thành phố đánh giá.
3- Lãnh đạo chính phủ (Bộ trưởng đến các Phó Thủ tướng và Thủ tướng) do các đại biểu quốc hội đánh giá.
Định kỳ đành giá: 6 tháng hoặc 12 tháng
Cách đánh giá:
Có 7 hạng trong mỗi tiêu chí :
- hạng 1 là rất kém.
- hạng 2 là kém .
- hạng 3 là dưới trung bình nhưng không kém.
- hạng 4 là trung bình.
- hạng 5 là trên trung bình nhưng chưa tốt .
- hạng 6 là tốt.
- hạng 7 là rất tốt.
Như vậy, mỗi cán bộ sẽ nhận được chỉ số trung bình (tổng hợp từ hàng trăm người đánh giá) cho mỗi tiêu chí.
Sử dụng kết quả đánh giá :
Kết quả đánh giá được lưu hồ sơ cán bộ và được sử dụng trong đề bạt và bổ nhiệm cán bộ. Như vậy, một cán bộ được đánh giá thấp liên tục, dù ở bất kỳ tiêu chí nào, sẽ "không nên" được đề bạt lên cấp cao hơn.
Ví dụ, Chủ tich UBND tỉnh X nhận được đánh giá tổng hợp của các đại biểu HĐND tỉnh trong kỳ họp đầu năm trên 5 tiêu chí là:
1- Tầm nhìn và khả năng hoạch định chiến lược: 5,8 .
2- Năng lực điều hành công việc: 5,5 .
3- Đoàn kết nội bộ: 4,0 .
4- Uy tín trong nhân dân: 3,4 .
5- Cần kiệm và gương mẫu trong cuộc sống cá nhân và gia đình: 2,1 .
Vị chủ tịch, khi nhận được bản đánh giá này sẽ nhận thấy rằng mình khá về tầm nhìn chiến lược và khả năng điều hành, nhưng còn hạn chế về đoàn kết nội bộ và uy tín trong dân, và kém về cần kiệm và gương mẫu trong cuộc sống cá nhân và gia đình. Tiêu chí 5 có ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu chí 3 và 4. Do đó phấn đấu nâng cao phẩm chất ở tiêu chí 5, nghĩa là cần kiệm và gương mẫu hơn trong cuộc sống sẽ giúp cải thiên cả tiêu chí 3 (đoàn kết nội bộ) và tiêu chí 4 (đoàn kết cá nhân).
Phương pháp đánh giá đinh kỳ này đã được kiểm nghiệm ở nhiều nước và nếu được áp dụng ở nước ta, nó sẽ mang lại những lợi ích rõ rệt sau:
1) Khuyến khích cán bộ lãnh đạo thấy rõ từng điểm mạnh và yếu của mình; trên cơ sở đó có ý thức rèn luyện và vươn lên mạnh mẽ.
2) Động viên các cán bộ lãnh đạo có tài, có đức, thực sự tận tâm với nước với dân.
3) Làm nhụt chí các cán bộ chạy chức chạy quyền. Hiện nay, nhóm cán bộ này chỉ lo lót để có được chức vụ, sau đó, tìm mọi cách hưởng thụ và tham nhũng mà không sợ bị phê phán đánh giá.
4) Phương pháp này có độ chính xác hơn cách bỏ phiếu tín nhiệm rất nhiều vì nó chỉ rõ 5 tiêu chí then chốt phải có ở người lãnh đạo và định lượng chi tiết cho từng tiêu chí; do vậy, kết quả đánh giá tránh được cảm tính giản đơn, và có ý nghĩa hơn nhiều.
5) Thực hiện tốt phương pháp đánh giá này sẽ củng cố một bước quan trọng lòng tin của nhân dân ta vào Đảng và Nhà nước.
Phương pháp đánh giá này đơn giản về cách tiến hành trong khi chắc chắn sẽ đem lại những tác động rất tích cực. Việc triển khai nên thực hiện thử nghiệm trước ở một số địa phương, như Quảng Nam, Đà Nẵng, An Giang, TP.HCM, Bình Dương, Hải Phòng và Hà Nội trong kỳ họp HĐND sắp tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét