Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Bài Kinh Tế Vỡ Lòng Từ Trung Quốc




Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 131125
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Thương Phẩm, Thương Nhân và Khi Trung Quốc Bị Thương

 * Đống xương vô định sắp cao bằng đầu *



Khi dân chúng Hoa Kỳ chuẩn bị Lễ Tạ Ơn vào cuối Tháng 11, giới kinh tế chuẩn bị tổng kết tình hình kinh tế của năm sắp hết và dự đoán viễn ảnh cho năm tới. Bài viết này cũng không ra khỏi thông lệ. Nhưng theo truyền thống của người viết, sẽ lại nói ngược!

Cách nay năm năm, Tháng 11 năm 2008, các thị trường chứng khoán trên thế giới theo nhau đổ dốc sau vụ khủng hoảnh tài chính tại Mỹ vào Tháng Chín. Khi ấy, Nữ hoàng Anh Elizabeth II tới khánh thành một công thự mới của trường London School of Economics nổi tiếng toàn cầu. Dự lễ khai mạc, bà ngồi nghe các giáo sư đọc diễn văn đầy chất khoa bảng uyên bác. Đến lượt mình, nhân vật cẩn trọng và khiêm tốn ấy làm đúng bổn phận, rồi chỉ nhẹ nhàng nêu câu hỏi: "Vì sao chẳng ai đoán ra chuyện này vậy?" Trong cử tọa của trường LSE, và sau này, chưa ai có thể trả lời câu hỏi thường thức của một bà già trầu văn minh!

Người viết kể lại như vậy là để xin giao hẹn trước là... có thể đoán trật.

Chuyện ấy cũng khiến ta chú ý đến sự kiện là thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ đang lên tới đỉnh kỷ lục. Vậy mà kinh tế chưa hồi phục, nhiều tiểu doanh nghiệp vẫn xanh xám mặt mày, giới trẻ bị thất nghiệp và dân nghèo phải lãnh trợ cấp cũng lên tới kỷ lục khác. Người viết kể lại như vậy cũng để giao hẹn trước là sẽ còn phải giải thích dài dòng... cho đến Tết!

Bây giờ, xin nói đến chuyện xa mà gần. Xa là chuyện thương phẩm, gần là hiệu ứng của kinh tế Trung Quốc, gần với Việt Nam.

Giới kinh doanh gọi chung các loại hàng cồng kềnh mua bán toàn cầu là "thương phẩm", dịch từ commodities. Người Hà Nội đi vào kinh tế thị trường, mà theo "định hướng xã hội chủ nghĩa", thì vẫn dùng chữ lạc hậu từ khi còn đánh vần kinh tế chính trị học Mác-Lênin là "hàng hóa". Giải thích cho dễ hiểu, thương phẩm là nguyên nhiên vật liệu và nông sản, gồm xăng, dầu, kim loại, ngũ cốc, lương thực, v.v.... Giá cả loại hàng này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt kinh tế của mọi quốc gia và lợi tức của mọi người, mà việc giao dịch mua bán lại quá phức tạp nên ít ai để ý. Một thí dụ gần gũi là giá vàng thì xin để kỳ khác.

Vì khó dự đoán được chiều hướng giá cả của thương phẩm, người ta nhìn vào quá khứ và nghiệm thấy giá thương phẩm có tăng giảm theo chu kỳ kéo dài vài chục năm. Tức là những gì tưởng đúng trong năm mười năm qua có thể lại trật trong vài năm tới, nên mới đực mặt khi bị Nữ hoàng vặn hỏi.

Thị trường thương phẩm toàn cầu đang dứt một chu kỳ và đi vào khúc quanh. Một lý do chính là hiệu ứng Trung Quốc. Hãy nghĩ đến quặng sắt – và các dự án bốc bậy mà ăn ở Tây Nguyên nước ta – như một thí dụ.

Khi Trung Quốc đi vào cải cách để công nghiệp hóa và đô thị hóa một xứ sở bát ngát lạc hậu thì nhu cầu về thương phẩm như sắt, thép, xi măng và đủ loại vật liệu đã gia tăng. Họ cần xây cầu xây nhà, làm đường, nuôi heo nuôi gà lấy thịt nuôi người nay đã ra khỏi trạng thái vặt mũi bỏ mồm. Số cầu gia tăng đột ngột từ vài chục năm nay đã đẩy giá lên trời. Các nước cung cấp và doanh nghiệp phân phối hay trao đổi thương phẩm đã kiếm lời lớn và còn dự đoán là hơn một tỷ người nay đang đứng dậy thì thị trường thương phẩm sẽ chỉ lên chứ không xuống.

Nếu người dân Trung Quốc cũng đi vào thời kỳ mua nhà rồi mua xe thì đà gia tăng ấy là tất yếu.

Người ta bước vào thị trường thương phẩm với sự lạc quan của kẻ đầu cơ, trước sự cổ võ của các doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc. Quả nhiên là họ lời lớn khi lãnh đạo Bắc Kinh, từ trung ương đến địa phương, cũng lao vào đầu cơ và phóng tay xây dựng.

Trừ giới kinh tế bị mang tiếng là hay đoán trật, ít ai chú ý đến sự kiện là Trung Quốc chọn chiến lược lấy đầu tư làm đầu máy tăng trưởng. Với dân số kỷ lục là một tỷ 300 triệu người và mức đầu tư kỷ lục là phân nửa Tổng sản lượng GDP, kinh tế Trung Quốc có vóc dáng vĩ đại của lực sĩ đô vật được uống sâm và hù dọa cả thế giới.

Hai thí dụ rất gọn. Về quặng sắt, Trung Quốc ngốn mất 55% sản lượng thế giới và nhập vào đến 65% tổng số xuất cảng của thiên hạ. Về đậu nành hay các hạt làm ra dầu, Trung Quốc ăn hết 30% sản lượng toàn cầu và mua vào 65% số xuất cảng của các nước. Nói chung, từ năng lượng đến lương thực, tay lực sĩ này là đại gia mua đủ loại thương phẩm của cả thế giới nên được các thương nhân ca tụng ngất trời.

Nhưng chàng lực sĩ vai u thịt bắp với đôi tay vĩ đại như anh lính thủy Popeye trong truyện hoạt họa lại đứng trên đôi chân bằng ống sậy.

Nền kinh tế của kẻ uống sâm để đạp xe lại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cho nên dân chúng đạp xe, còn uống sâm là thẩm quyền của đảng, nhà nước và tay chân thân tộc. Chuyện bất công ấy không được thương nhân chú ý. Nhưng giới đầu tư chứng khoán thì biết tổng số nợ của doanh nghiệp Trung Quốc đã lên tới 134% Tổng sản lượng, so với gần 80% của một xứ tư bản giẫy chết là Hoa Kỳ.

Nói đến nợ nần, tổng số tín dụng của Trung Quốc lên tới mức báo động là gấp đôi tổng sản lượng, bên trong là sự kỳ ảo của thống kê kiểu Bắc Kinh: thực số của loại nợ xấu là một bí mật mà chính lãnh đạo cũng chẳng biết. Loại nghiệp vụ cho vay ngoại ngạch, ngoài khu vực ngân hàng và không sổ sách nên có đầy rủi ro là một nhược điểm khác. Một trái bom nổ chậm.

Còn thành tích đầu tư sản xuất làm thế giới trầm trồ là một hiện tượng đầy màu sắc Trung Hoa: huyền ảo như thành phố ma hay thương xá không người. Một khối tồn kho ế ẩm được bút ghi là sản lượng mà nằm chất đống giữa thiên nhiên. Trong khối tồn kho, có cả triệu tấn thương phẩm.

Vì vậy, giá thương phẩm tăng vọt từ 20 năm nay - mạnh nhất là trong 10 năm qua nhờ sức hút của Trung Quốc -  đã lên tới đỉnh. Khi đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc từ hai số bắt đầu giảm, và còn giảm, thì giá cả thương phẩm sẽ sụt. Y như lúc lên là tăng vọt thiếu sơ sở, khi sụt, giá sẽ sụt rất nhanh. Kinh tế Trung Quốc bị thương, nhiều thương nhân sẽ chết trước. Chuyện ấy đang bắt đầu....

Bài kinh tế vỡ lòng là quy luật cung cầu có chi phối giá cả. Về thương phẩm, số cung là khả năng đào đất, để trồng trọt hay khai thác hầm mỏ. Thời khoảng quyết định là từ vài năm đến chục năm. Số cầu có thể tùy vào sức hút của một xứ rất lớn như Trung Quốc, hay sức đẩy của các thương nhân buôn bán, trong mục tiêu đầu cơ để kiếm lời.

Một bài kinh tế vỡ lòng khác là con người ta là sinh vật biết suy tính, nhờ vậy mà cải tiến khả năng giải quyết bài toán kinh tế căn bản là sự khan hiếm. Từ cả ngàn năm nay, một tạ gạo hay một tấn quặng thì chẳng có gì thay đổi, trừ một việc là có giá thành rẻ hơn. Từ chuyện ngàn năm suy ra tương lai trước mắt, ai cũng có thể thấy rằng giá thương phẩm sẽ giảm.

Nhưng con người ta vốn dĩ lạc quan, một bài học kinh tế khác. Cho nên, khi thấy giá tăng vì chênh lệch cung cầu trong nhất thời - chiến tranh chẳng hạn - hoặc vì sự xuất hiện của một đại gia mới nổi, người ta lạc quan tin rằng chiều hướng ấy sẽ tiếp tục.

Kết luận ngược: người ta tin vào sức bật vĩ đại của Trung Quốc như đã tin vào trứng cút!

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Vai trò của giáo dục trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay

20 Tháng 11 2013 lúc 19:23



Toàn cầu hoá làxu thế và cũng đã là hiện trạng của thế giới ngày nay. Để tìm hiểu về toàn cầuhóa ta có thể tìm đọc các tác phẩm Xe Lexus và cây ô liu, Thế giới phẳng của tác giả, nhà báo Thomas L. Friedmanvà tác phẩm Globalization and Its discontent (Toàn cầu hóa và mặt tiêucực của nó) của nhà kinh tế học được giải thưởng Nobel năm 2001 JosephStiglitz.
      
Các  quá trình toàn cầu hóa:
1492-1800các nưởc mở rộng bờcõi, chiếm tài nguyên, thuộc địa (toàn cầu hoá phiên bản 1.0)
Đặcđiểm: sau những phát minh lớn về địa lý, đã xuất hiện hệ thống thuộc địa trongnhững thế kỷ XVII- XVIII.
Chủthể tham gia tương tác trong toàn cầu: Nhà nước
1800-2000các công ty vươn rathế giới, thành các công ty đa quốc gia, chiếm thị trường, nhân công (toàn cầuhoá phiên bản 2.0)
Đặcđiểm: Trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, thời kỳ của những phát minh kỹ thuậtvĩ đại. Sự phát triển của công nghệ cùng với sự mở rộng của các thị trường vàđầu tư vượt ra khỏi các biên giới quốc gia.
Chủthể tham gia tương tác trong toàn cầu: Công ty đa quốc gia
2000-?: các cá nhân, nhóm ngườihợp tác, cạnh tranh với nhau trên phạm vi toàn cầu nhờ các công nghệ hỗ trợmạng, điều đó làm cho thế giới dường như nhỏ lại, phẳng ra, vì tiếp cận vớinhau quá dẽ dàng (toàn cầu hoá phiên bản 3.0)
Đặc điểm: Bùngnổ công nghệ thông tin: máy tính dung lượng cực lớn, cáp quang toàn cầu và cácphần mềm ứng dụng làm cho thế giới trở nên “nhỏ bé”, mọi người trên trái đấtnày đều là “hàng xóm” của nhau. “Mọi người trong thế giới ngày nay dù ở nơi nàotrên thế giới đều có thể coi như cùng tụ hội, cùng ngồi với nhau quanh một cáibàn để cùng thảo luận một chủ đề nào đó, cùng vui chơi, dù cho có cách xa nhaunửa vòng Trái Đất”
Chủ thể tham giatương tác trong toàn cầu: Các cá nhân, nhóm người

Nhưvậy, trong khung cảnh của toàn cầu hoá ngày nay, việc huy động tốt nhất cácnguồn lực để phát triển của quốc gia chính là phát huy sự năng động, sángtạo của các cá nhân chủ động tham gia tương tác toàn cầu với sự hỗ trợ của mạnginternet để truy cập vào các dịch vụ thiết yếu trên mạng và để thiết lập sự hợptác của các cá nhân, nhóm người trên phạm vi toàn thế giới

Vai trò của giáo dục trong xu thế toàn cầuhóa hiện nay
Toàn cầu hóa tạora những cơ hội hay thách thức phát triển quốc gia là tuỳ theo thái độ ứng xử:chủ động hội nhập hay bị động hội nhập. Chẳng hạn, trong quá trình toàn cầu hóa phiên bản 1.0 và 2.0 đã tạo ra nguy cơ các nước kém phát triển bị lệ thuộc vào các nướcphát triển. Tuy nhiên, bằng sự chủ động tham gia hội nhập, thực hiện canh tânđất nước của vua Minh Trị, nước Nhật đã không những không bị lệ thuộc mà chính toàn cầu hóa1.0 và 2.0 lại trở thành cơ hội để Nhật phát triển thành một cường quốc của châuÁ và trên thế giới.

Đốivới Việt Nam thì xu hướng toàn cầu hóa hiện nay (phiên bản 3.0) có trở thànhmột cơ hội phát triển đất nước là  tùy thuộc vào việc có hình thành được một thếhệ công dân có đủ khả năng chủ động tham gia toàn cầu hóa một cách hiệu quả haykhông. Sứ mệnh lịch sử đang được đặt trên vai của ngành giáo dục nước nhà. Ngànhgiáo dục cùng với mỗi gia đình chăm lo giáo dục đào tạo con em mình trở thànhtrước hết là một công dân nước Việt đồng thời phải là một "công dân toàn cầu". Đểthực hiện được sứ mênh trước lịch sử của mình đòi hỏi ngành giáo dục cần cảicách toàn diện, hiện đại hóa trong sự chủ động hội nhập xu thế toàn cầu hóa củathể chế chính trị.

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Kinh tế VN mùa thu 2013: những mảng sáng tối

Phạm Đỗ Chí

Chưa năm nào có nhiều hội thảo và tranh luận sôi nổi về hiện trạng nền kinh tế như năm nay. Các giới chức và chuyên gia trong chính phủ thì cho là kinh tế Việt Nam đã ổn định khá và đang phục hồi. Vài đại biểu và chuyên gia Quốc Hội thì nhìn thấy “màu xám”, còn vài chuyên gia ngoài chính phủ hay nhiều nhóm dân cư lại vẫn thấy “màu tối”, theo báo chí. Chuyện gì đang xảy ra? 
Một nhận định của nhiều người trong kỳ hội thảo mùa thu về Kinh tế[1] mới đây là nền kinh tế đang rất xấu với nguy cơ “vỡ trận tài chính” trong năm 2014 và triển vọng trung hạn 2013-15 cũng không mấy sáng sủa vì việc tái cấu trúc kinh tế chưa được triển khai hiệu quả bằng hành động. Riêng trong phát biểu mở đầu, TS Trần Đình Thiên gọi kinh tế VN vẫn đang mò đáy, chứ chưa thoát đáy như vài nhà kinh tế khác lạc quan hơn đã nhận định mới đây.
Thêm một chuyên gia độc lập nhận xét là tình trạng sản xuất trong nền kinh tế VN gần như tê liệt vì các doanh nghiệp thi nhau phá sản hay đóng cửa từ 2011, tăng trưởng GDP có thể trì trệ hơn và nạn thất nghiệp gia tăng mạnh hơn các con số chính thức, gây ra các tệ nạn xã hội báo động. Trong khi chính sách tín dụng trong cả nước cũng hoàn toàn nghẽn mạch—một phần vì doanh nghiệp không đủ sức hấp thụ và vì ngân hàng không muốn cho vay (với thanh khoản yếu do nợ xấu gây ra).
Nói chung, hoạch định chính sách kinh tế có thể khó khăn hơn nếu không được dựa trên dữ kiện rõ ràng hay chính xác (economic planning without facts), như nhà kinh tế nổi tiếng Kornai đã từng cảnh cáo cho nền kinh tế Hung ga ri thời còn bao cấp.
Bài trình bầy của nhóm nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Fulbright ở Saigon qua Giám đốc Nguyễn Xuân Thành[2], phân tích trong 4 động cơ liên quan đến tăng trưởng thì 3 “động cơ nội” trục trặc, chỉ có một động cơ “ngoại” là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chạy tốt, và nhận định quan trọng là 3 động cơ nội trục trặc là do bị ảnh hưởng của thể chế kinh tế (khu vực quốc doanh làm chủ đạo), động cơ ngoại chạy tốt do không bị ảnh hưởng hoăc bị ảnh hưởng rất ít của thể chế trong nước. Tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI trong GDP là 13% năm 2000, đến năm 2012 tỷ lệ này tăng khoảng 7 điểm phần trăm lên xấp xỉ 20%; lượng tiền chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài (chi trả sở hữu – thu từ sở hữu) của năm 2012 tăng khoảng 25 lần so với năm 2000 và nếu loại trừ yếu tố giá thì tỷ lệ này cũng tăng xấp xỉ 9 lần.
Điều này làm nổi bật một điều là do đóng góp đáng kể của FDI vào tăng trưởng GDP, thu nhập quốc gia gộp (GNI—gross national income) không tăng nhanh theo cùng mức với GDP, và thu nhập lẫn tiêu thụ nội địa đều yếu dẫn đến mức tổng cầu yếu đã được ghi nhận từ ba năm qua. Từ những lập luân trên phải chăng càng tăng trưởng GDP theo kiểu này thì luồng tiền và của cải của đất nước càng sụt giảm, trong khi FDI càng thu lợi nhờ nhân công và thuê đất rẻ lại tránh được thuế (xem dưới đây)?
Mặt khác, khi đã xác định được sự đình trệ của khu vực sản xuất trong nước phần lớn là do thể chế thì các nhà họach định chính sách có thể cải thiện thể chế để phục hồi cơ cấu sản xuất và cả nền kinh tế. Việc cải thiện thể chế không chỉ đơn giản là cải cách hành chính hay chống tham nhũng như một số giới kêu gọi, hay là giãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, mà chính là thiết lập thật sự sân chơi bằng phẳng, minh bạch đối với khu vưc tư nhân và nông nghiệp. Đây chính là nền tảng thiết yếu của chính sách tái cơ cấu kinh tế đang muốn thực hiện bởi chính phủ. Vì nến tảng chưa được thiết lập, việc áp dụng mới bị bế tắc!
Điều này không tốn kém nhưng cũng rất khó khăn vì phải tái cơ cấu tư duy của các nhà lãnh đạo và điều hành kinh tế! Việc đạt được thành tích tăng trưởng cao ngắn hạn mỗi năm thực sự không quan trọng bằng việc phục hồi 3 động cơ “nội”, theo cách phân tích nói trên của nhóm Fulbright.
Từ nghiên cứu quan trọng của nhóm này, chúng ta cũng có thể suy nghĩ thêm về những mảng sáng tối, và những lý do đàng sau, của bức tranh kinh tế Việt nam khá phức tạp năm nay với các diễn đạt khác biệt từ những góc nhìn khác nhau.
Cả nền kinh tế nói chung vẫn trong tình trạng tương đối trì trệ của 2 năm trước với mức GDP thực tế chỉ tăng quanh 5% (con số chính thức được coi là lạc quan!). Nhưng phần lớn tăng trưởng được ghi nhận là do nhóm sản xuất FDI . Và đó cũng là lý do cho điểm sáng hiếm hoi của xuất khẩu vẫn tăng khá năm nay. Nhưng với các kỹ thuật chuyển giá để khai lỗ của nhóm doanh nghiệp FDI, đóng góp vào thuế doanh nghiệp của khu vực này gần như rất ít, trong khi các doanh nghiệp tư  nhân ngoài FDI và nhà nước thua lỗ nên không thể đóng thuế: thêm một lý do cho thất thu thuế năm nay, ngoài chuyện trì trệ sản xuất.
Ngoài ra do tình trạng suy yếu của sản xuất nói chung, mức nhập siêu 10-12 tỷ USD của các năm trước 2011 đang trở thành xuất siêu, giúp cho cán cân vãng lai và thanh toán tổng thể được thặng dư, và là lý do căn bản làm bớt được áp lực tỷ giá.
Áp lực lên tỷ giá cũng bớt đi do chuyên độc quyền vàng miếng SJC làm bớt nhu cầu nhập lậu vàng. Trong khi NHNN có thể hân hoan với kết quả này, câu hỏi bất cập khác xuất hiện là khối vàng trên 60 tấn do NHNN độc quyền bán ra đã đi đâu? Khoảng 30 tấn được giải thích là cho nhu cầu tất toán của hệ thống ngân hàng trong năm, nhưng còn hơn 30 tấn vàng kia đi đâu? Báo chí xuất hiện thêm loạt bài nói là “tham nhũng ưa chuộng vàng miếng”, làm dấy lên mối lo ngại trước đây về các kênh tẩu thoát của vàng không được mong muốn, một câu hỏi nhức nhối khó trả lời và cần thời gian.
Chuyện bán ra khối vàng quan trọng cùng với việc phát hành 170.000 tỳ đồng trái phiếu chính phủ cũng được coi là hai biện pháp giúp rút bớt khối tiền đồng lưu hành để tránh áp lực lạm phát do việc NHNN mua vào thành công khối dự trữ ngoại hối tăng đến mức kỷ lục 28 tỷ USD, so với sự thất bại năm 2007 do thiếu biện pháp này để trung hòa khối tiền đồng tung ra để mua khoảng 10 tỷ USD do FDI và đầu tư gián tiếp FII mang đến. Câu hỏi đặt ra là tiền lớn đều chui vào vàng và chi tiêu chính phủ, còn đâu “room” cho đầu tư của tư nhân khi bị khu vực chi tiêu chính phủ chèn ép?
Sau hết, sản xuất trì trệ nói chung trên đây cũng gây trở ngại cho mức tổng cầu và hấp thụ tín dụng của nền kinh tế. Do đó, tín dụng  mới tăng hơn 6% cuối tháng 10 và cả năm khó đạt mục tiêu tăng 12%, và là nguyên nhân chính giúp giảm áp lực lạm phát.
Về nhu cầu chính sách tương lai trong ngắn hạn, có 2 luồng ý kiến: thứ nhất là kích cầu từ đầu tư công qua nới rộng mức độ bội chi ngân sách và thứ hai là “kiên trì” ổn định kinh tế vĩ mô. Việc “kích cầu”, qua đầu tư công thiếu hiệu quả, có thể nhất thời làm tăng GDP nhưng không bền vững và chỉ nhằm mục đích “thành tích” ngắn hạn, và một vòng xoáy lạm phát – suy trầm bị e ngại sẽ lại tiếp diễn trong năm 2014 như đã xảy ra các năm trước đây. Hơn nữa trong lúc các tỉnh thành lớn đều hụt thu nội địa thì việc nâng trần bội chi ngân sách quốc gia (lên 5,3% cho năm nay và năm tới) để dáp ứng việc giải quyết tăng GDP ngắn hạn là một việc không nên làm trong lúc này.
Điều gây bức xúc nhất vẫn là chính sách trung hạn: tiếp tục in trái phiếu khoảng 150.000-200.000 tỷ mỗi năm như lối ra cho chính sách tài khóa theo dự kiến hiện tại quả là không ổn cho bức tranh lạm phát và tổng thể. Và không giải quyết được nghẽn mạch tín dụng bằng việc tiếp tục vô thời hạn các biện pháp hành chính hiện nay trong chính sách tiền tệ, thay vì các biện pháp thị trường, do chính NHNN đã khổ công xây dựng trong nhiều năm trước đây mà kinh tế đất nước cũng đã rất quen thuộc-- mới là chuyện quan trọng: liệu có thể để các doanh nghiệp tiếp tục dẫy chết và guồng máy sản xuất suy đốn thêm?
Nhìn chung, búc tranh kinh tế 2013 có những điểm sáng như xuất khẩu tăng, tỷ giá ổn định, lạm phát giảm dần, được một số nhà kinh tế quen thuộc trong nước ngợi khen, nhưng nghĩ kỹ đều phản ánh những tia sáng le lói khó bền vững, vì chỉ đi ra từ sự kiệt quệ của nền kinh tế tư nhân với hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa hay lỗ nặng hàng tháng. Cạn nguồn thuế, ngân sách không thể kéo dài chuyện in tiền qua phát hành trái phiếu của chính phủ hay của các doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh. Đây không thể là tình trạng kéo dài thêm được lâu nữa.
Trong phần tóm tắt kết luận hội thảo, một nhân vật hữu trách quan trọng khẳng định là nền kinh tế không hề tê liệt để trả lời thẳng vào nhận xét chuyên gia trên đây, nhưng lại cũng hoàn toàn im lặng về các đề xuất thay đổi thể chế như nêu trên. Thay vào đó, vị này nhấn mạnh về yếu tố phục hồi tăng trưởng cho năm tới, và nêu nhận xét là các chuyên gia đã rõ ràng và đồng thuận trong phần nhận định hiện trạng, nhưng chưa đưa ra được các giải pháp chính sách phục hồi kinh tế cụ thể. Và hình như đó là bế tắc của khóa hội thảo mùa thu, cũng như của nền kinh tế suốt bốn mùa!
Trước bế tắc đó, phải chăng cần nghĩ đến giải pháp “cuối cùng” như chuyên gia Võ Đại Lược vừa đề nghị với Ủy ban Kinh tế Trung ương là mời IMF trở lại để trợ giúp cả kỹ thuật lẫn tài chính? Kỹ thuật vì họ có cái nhìn khách quan vượt trên được các nhóm lợi ích và có thể giúp tái lập bức tranh tổng thể với số liệu chính xác. Tài chính vì nhu cầu vốn để xóa món nợ xấu ngân hàng cũng như giảm khối nợ công quốc gia khổng lồ (ước tính vượt 100% GDP, gồm cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh) có thể lên đến 40-50 tỷ USD, con số ít ai dám nghĩ đến, nhưng là số dựa vào kinh nghiệm trợ giúp của IMF cho Thái lan và Nam dương.
 
[1] Do Ủy ban Kinh tế Quốc Hội tổ chức ở Huế vào hai ngày 26-27/9/2013. 
[2] Tóm tắt của TS Bùi Trinh trong một bài viết ngắn chưa xuất bản.

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Khi Liên Bang Nga Có Loạn


Hồ Sơ Người-Việt Ngày 131106
Hùng Tâm
Chiêu bài dân tộc gây phản ứng ngược
 * Đất say đất cũng lăn quay... Chiến dịch lùng rượu *
Thời sự quốc tế loan tin là nhân Ngày Thống Nhất Quốc Gia, cả vạn người đã biểu tình tại thủ đô Moscow vào hôm mùng bốn với nhiều khẩu hiệu mâu thuẫn. Đám đông ô hợp xuống đường ở nhiều nơi, có nơi thì bị cảnh sát chặn, có nơi lại như được cảnh sát hỗ trợ. Hình như là tùy theo mục tiêu xuống dường.
Chi vì có người cổ võ tinh thần phát xít và chống di dân thì có người lại trưng khẩu hiệu chống cộng. Có kẻ đề cao Lenin và Stalin thì lại có người kêu gọi dân chủ và chấm dứt triều đại của Vladimir Putin, v.v... Tính chất hỗn tạp ấy phản ảnh nhiều vấn đề đa diện và nan giải của Liên bang Nga và gợi nhớ đến sự bức bí đầu thế kỷ 20, trước khi bùng nổ cuộc Cách mạng Tháng 10 vào năm 1917.
Nhưng khi đọc tin này, chúng ta muốn biết cái ngày "Thống Nhất Quốc Gia" đó là gì.
Năm 1612, quân lính Nga đẩy lui cuộc xâm lăng của Ba Lan ra khỏi thủ đô Moscow vào ngày bốn Tháng 11. Từ đó, các triều đại của Đế chế Nga chọn ngày này làm Ngày Thống Nhất Quốc Gia, như ngày Quốc Khánh. Sau khi Cộng sản lên nắm quyền từ năm 1917, họ hủy lễ quan trọng này, lấy ngày mùng bảy Tháng 11 là ngày kỷ niệm "Cách Mạng Tháng Mười" theo lịch Nga.
Sau 88 năm bị gián đoạn, kể từ năm 2004, Tổng thống Vladimir Putin lấy lại Ngày Thống Nhất Quốc Gia và cho ăn mừng từ năm 2005. Khi ấy, mục đích của ông là tìm một ngày thay thế cho cuộc cách mạng cộng sản và nhất là để phát huy tinh thần quốc gia dân tộc của người Nga. Mươi năm sau thì tình hình lại đổi khác, ông Putin không còn thế mạnh như xưa. Những ai theo dõi nội tình nước Nga còn thấy ra nhiều yếu tố bất ổn, những mầm mống của một biến động khác.
"Hồ Sơ Người-Việt" cố vượt qua thời sự để lần lượt tìm hiểu chuyện này.....
Chuyển Dịch Dân Số
Những thay đổi về dân số thường xảy ra chậm rãi nên lọt khỏi sự quan sát ngắn hạn của mọi người nhưng lại là yếu tố có ảnh hưởng nhất.
Sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991 và trở thành Liên bang Nga, dân số nước Nga đã giảm mạnh, từ gần 149 triệu nay chỉ còn 143 triệu. Sút giảm mạnh nhất là sắc tộc Nga, thành phần chiếm 81% của dân số toàn quốc. Mãi đến năm 2009 thì đà sút giảm hàng năm mới chậm lại nhờ tử suất giảm và sinh suất tăng. Tử suất hay death rate là số trung bình của người chết so với một ngàn dân và sinh suất hay birth rate là số người sinh ra....
Một yếu tố khác có chi phối dân số hay nhân khẩu (một chữ khác, có nghĩa là miệng ăn) của Nga là số di dân có tăng.
Tìm vào chi tiết thì như hiện nay, 20% dân số nước Nga là những người ra đời sau khi Liên Xô tan rã.
Thành phần trẻ này không biết nhiều về quá khứ Xô viết và chẳng bị ảnh hưởng gì về lý tưởng cách mạng vô sản, về hệ thống tập trung chính trị hay "sự ổn định xã hội" thời xưa. Hãy cho rằng họ bắt đầu có sự hiểu biết là ở tuổi lên 10, là khi Liên bang Nga đã qua thời khủng hoảng hậu Xô viết trong những năm cầm quyền của Tổng thống Boris Yeltsin, và bắt đầu có sự ổn định vững mạnh hơn trong những năm Putin lãnh đạo, từ năm 2000 trở về sau.
Chi tiết đó cho thấy là lớp người trẻ của nước Nga hiện nay không luyến tiếc hay thù ghét chế độ cộng sản và lại thích một xã hội cởi mở, dám nói ngược và phê phán chính quyền. Vì vậy mà sau 10 năm cấp cứu và phục hồi sức mạnh của nước Nga, ông Putin lại thấy quyền lực của chính quyền trung ương, của điện Kremlin, bị chống đối từ năm 2011 trở về sau. Thành phần trẻ này cũng lại có phương tiện thông tin hiện đại để chia sẻ hay quảng bá những suy tư của họ với nhau và với thế giới bên ngoài: số người vào Internet tại Nga hiện là 60%, so với 10% vào năm 2006.
Chuyện ấy, khi làm tin hàng ngày, nhà báo thường không chú ý lắm. Hoặc nhiều khi không hiểu.
Một chi tiết khác là đà sút giảm dân số có chậm lại kể từ năm 2009 - chậm lại thôi, chứ vẫn giảm. Dự phóng cho dài hạn là đến năm 2030, dân số nước Nga sẽ giảm thêm 10%. Nghĩa là 15 năm nữa, Liên bang Nga chỉ còn cỡ 129 triệu dân, trên một lãnh thổ bát ngát là hơn 17 triệu cây số vuông.
Chính quyền Nga có nỗ lực cải thiện chế độ y tế, khuyến khích sinh đẻ và giải trừ hai ảnh hưởng tai hại về dân số là hút thuốc và nghiện rượu. Nhờ vậy, họ hy vọng là sẽ hãm đà giảm sút dân số. Hy vọng thôi. Tháng Tám năm 2012 là lần đầu tiên từ mấy chục năm qua mà dân số của nước Nga có tăng, khiến Tổng thống Putin tuyên bố là dân số Nga sẽ lên tới 146 triệu vào năm 2025. Nhưng chủ yếu gia tăng là nhờ di dân.
Chi tiết quan trọng hơn chuyện tuổi tác và đà tăng giảm của dân số là thành phần thiểu số.
Ngoài sắc tộc đa số (81%) là người Nga, trong thành phần thiểu số tại Nga, những người thuộc sắc tộc khác và theo đạo Hồi lại chiếm tỷ lệ quan trọng. Và gia tăng đều từ nhiều thập niên.
Từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989, dẫn đến sự tan rã của Liên Xô năm 1991, thì dân số các nước Cộng hoà Hồi giáo tăng vọt, như tăng 59% tại Chechnya hay 69% tại Dagestan. Ngoài ra, di dân từ bên ngoài vào Nga cũng tăng mạnh, hàng năm thêm 400 ngàn, trong đó chỉ có 240 ngàn là hợp pháp. Họ đến từ các nước Cộng hoà Hồi giáo vùng Trung Á, ngày xưa nằm trong Liên bang Xô viết. Nhiều nhất là từ Azerbaijan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
Trong tháng trước, Hồ Sơ Người-Việt có nói đến các nước Trung Á này, xin quý độc giả chịu khó tìm lại.
Dân Số Và Chủ Nghĩa Dân Tộc
Từ chuyện chuyển dịch dân số, xã hội Nga ngày nay đang có những hiện tượng sau đây.
Thứ nhất, người dân nói chung đã có quyền và thói quen phát biểu tự do hơn trước. Thứ hai, tộc Nga thấy ra sự sa sút dân số trước dân thiểu số, thuộc sắc tộc và tôn giáo khác. Họ muốn hạn chế di dân vào nước Nga. Bên trong nước Nga thì họ muốn hạn chế người Hồi giáo từ khu vực Caucasus ở phía Nam tràn vào vùng sinh hoạt truyền thống của tộc Nga.
Có hai thí dụ về trào lưu đó: 1) Hạ viện Nga (State Duma) từng thảo luận về đề luật ngăn ngừa dân số từ vùng Caucasus của Nga tràn lên hướng Bắc vào thủ đô Moscow và 2) theo cơ quan nghiên cứu độc lập Levada Center, 70% người Nga muốn có luật lệ chặt chẽ hơn về di dân nội địa và di dân ngoại nhập.
Lý do đầu tiên và dễ hiểu của trào lưu đó là việc làm và lương bổng: dân Hồi giáo từ Trung Á muốn vào Nga, và từ miền Nam của nước Nga muốn vào thủ đô Moscow, là để tìm việc và hưởng đồng lương cao hơn.
Quy ra đồng đô la, lương tháng trung bình tại Tajikistan là 22 đồng, tại Kyrgyzstan là 75 đồng, tại các nước Cộng hoà trong vùng Caucasus là 439 đồng, trung bình trên toàn quốc là 800 đồng và tại Moscow là một ngàn 750 đồng. Những người Hồi giáo nghèo khổ ở nơi khác có hy vọng tìm ra việc làm ở Moscow với đồng lương thấp là từ 300 đến 790 đồng một tháng (so với 1.750 là mức trung bình). Dù có thấp thì vẫn khá hơn những gì họ kiếm được ở chốn cũ.
Sức hút đó khiến dân Nga thấy là họ bị cạnh tranh và hai phần ba còn cho rằng dân Hồi giáo (di dân từ Trung Á hay từ miền Nam nước Nga) làm gia tăng tội ác và nạn khủng bố. Đó là về sắc tộc.
Về tôn giáo thì đa số đến 80% người Nga theo Chính thống giáo, một hệ phái của Thiên Chúa giáo ở phương Đông, xin tạm gọi là Chính thống giáo Nga (Russian Orthodox).
Khi muốn củng cố quyền lực của mình, Tổng thống Putin huy động hai sức mạnh tinh thần là 1) chủ nghĩa dân tộc Nga (việc chọn Ngày Thống Nhất Quốc Gia làm Quốc khánh) và tư tưởng tôn giáo chính thống.
Từ chiến lược đó của ông, trong lãnh vực chính trị mới xuất hiện phong trào xưng danh "Nước Nga Của Người Nga" hay "Không Nuôi Đất Caucasus". Họ đã xuống đường biểu tình từ năm 2011 và tuần qua đã tuần hành trên đường phố thủ đô Moscow, và được cảnh sát bảo vệ. Cũng từ chiến lược của Putin, trong lãnh vực tôn giáo đã xuất hiện các lực lượng chính thống nhất, cực đoan nhất. Thí dụ như "Lữ đoàn Chính thống" đã thành hình và đi tuần tra đường phố để bảo vệ người Nga theo Chính thống giáo chống lại dân Hồi giáo.
Thực tế về di dân, quyền lợi kinh tế và chính nghĩa dân tộc hay tôn giáo mới dẫn đến những vụ biểu tình chống đối và bạo lực nhắm vào người Hồi giáo và di dân. Thí dụ như hôm 13 tháng trước đã có bạo động trong nhiều ngày sau khi một người Nga bị một di dân gốc Azerbaijan đâm chết tại quận Biryulyovo ở phía Nam Moscow. Một tuần sau, bạo động lan đến St Petersburg. Tại Volvograd, khi một tên khủng bố tự sát người Dagestan làm sáu người thiệt mạng trong một xe buýt thì nhiều nhà nguyện và đền thờ Hồi giáo đã bị đốt. Những trường hợp như vậy xảy ra thường xuyên hơn. Trong ngày Thống Nhất Quốc Gia, một nhóm biểu tình đã giương lên một biểu ngữ rất to là "Đấu Tranh Cho Biryulyovo"!
Nhờ Vladimir Putin và những thay đổi xã hội, người ta tìm ra biểu tượng mới. Nhưng sự bất mãn của người dân không chỉ xuất phát từ lý do sắc tộc hay tôn giáo và nhắm vào di dân hay đạo Hồi. Quần chúng tại Nga còn thất vọng về nhiều chuyện khác nữa. Tình trạng đình trệ kinh tế là một chuyện. Sự bực dọc về sự đình trệ chính trị và nạn độc tài là một chuyện khác.
Trong kỳ tới, Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu tiếp những chuyện đó.
_________________________
Kết luận ở đây là gì?
Khi lãnh đạo nhắm vào mục tiêu chính trị cục bộ và vận dụng tâm lý người dân làm phương tiện củng cố quyền lực, họ có thể là phù thủy dụng âm binh.
Sau 15 năm lãnh đạo nước Nga, ông Vladimir Putin chứng tỏ bản lãnh của một phù thủy cao tay, tuần qua vừa được tờ Forbes của Mỹ bầu là người quyền thế nhất thế giới, hơn cả Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng phù thủy có thể bị âm binh vật chết.
Những chuyển dịch dân số và xã hội khiến rất nhiều lực lượng có thể là âm binh. Một cách bất ngờ. Chúng ta không muốn bị bất ngờ thì lâu lâu lại tham khảo "Hồ Sơ Người-Việt"!

Cải Cách Củ Mật


Nguyễn-Xuân Nghĩa- Việt Báo Ngày 131114
Bắc Kinh Phù Phép Mà Chưa Có Phép Lạ
 * Khách sạn JingXi tại Bắc Kinh, nơi họp Hội nghị Trung ương kỳ ba *
Các kinh tế gia khó là thiền sư để như Bạch Ẩn Huệ Hạc của dòng Lâm Tế mà nghe được "tiếng vỗ của một bàn tay". Lý do đơn giản là vì họ có hai tay....
Chúng ta có thể suy luận như vậy khi nhớ lại những lời - thậm chí nhiều pho sách – ca tụng phép lạ kinh tế Trung Quốc với những dự đoán kinh người về thời điểm "vượt Mỹ". Sau khi có sản lượng vượt Đức rồi vượt Nhật, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ để dẫn đầu thế giới vào năm 2016, hay 2020, 2025, 2030, v.v.... Tất cả đều chỉ là dự đoán thôi. Vì kinh tế học cũng có hơi hướm khoa học, các kinh tế gia hiểu rằng mọi tiên đoán đều có thể trật.
Thầy bói mà đoán trật thì bể tráp hay mất khách, giới kinh tế biết vậy nên khi đoán mò là họ khéo nhấc bàn tay kia.
"Một đàng" thì Trung Quốc có những động lực tất yếu để đưa mức tăng trưởng thần kỳ qua mặt Hoa Kỳ vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng - bàn tay kia được giương lên cho thêm phần hùng biện - nhưng "đàng kia" thì cũng còn lý này hay lẽ nọ để có chuyện lỡ hẹn! Trong mọi cuốn sách ngợi ca Trung Quốc, họ đều yểm bên dưới dòng chữ li ti trong phần cước chú một vài lý luận về "đàng kia" – on the other hand....
Tức là đúng sai gì thì họ vẫn có lý.
Chúng ta nhớ lại điều ấy vì từ hai chục năm nay, sau khi kinh tế Nhật Bản sa sút rồi suy trầm, đã có cả một kỹ nghệ ca tụng kinh tế Trung Quốc với nhiều dự đoán tưng bừng.
Các doanh nghiệp đầu tư vào xứ này đã huy động cả truyền thông lẫn giới nghiên cứu để cổ võ cho việc làm ăn với Hoa lục. Họ dùng lý luận kinh tế đưa ra những luận chứng khoa học về một kỷ nguyên hay một Thế kỷ mới của Trung Quốc. Các tay cò mồi quốc tế lẫn chính khách có sự nghiệp gắn liền với việc buôn bán đó cũng chen vai xác nhận.
Rồi họ sẵn sàng tìm ra cái lý giảm khinh để biện bạch cho những điều bất toàn của hệ thống kinh tế chính trị Trung Hoa.
Tham nhũng ư? Chế độ nào mà chẳng có tham nhũng? Môi sinh bị hủy diệt ư? Các nước nghèo và mới nổi thảy đều phải qua giai đoạn ấy, nhưng khi đã giàu có hơn thì họ sẽ cải tiến. Bất công xã hội ư? Làm sao bằng tình trạng quá đáng của các nước tư bản với 1% dân số đã ăn trùm 99% còn lại! Độc tài ư? Các chế độ kinh tế Á Châu đều phải như vậy, khi kinh tế phát triển rồi thì giới trung lưu sẽ đẩy mạnh những đổi thay về chính trị. Huống hồ, trước những biến động liên tục của các nước tư bản Tây phương từ dăm bảy năm nay, mọi người đều thấy ưu điểm của chế độ tư bản nhà nước và vai trò trọng yếu của chính quyền để điều tiết và vận dụng thị trường....
Kết luận, vạn tuế kinh tế thần kỳ!
Cho đến năm nay thì bỗng dưng nhạc lắng mây chìm và đà tăng trưởng thần kỳ chỉ là vang bóng.
Thành thử, như nhiều nước đi trước, Trung Quốc cũng sẽ phải chuyển hướng. Lãnh đạo Bắc Kinh đã nói đến nhu cầu cải cách họ gọi là lịch sử và sinh tử. Sau khi thế hệ thứ năm lên ngôi từ Đại hội 18 vào năm ngoái, Hội nghị Trung ương kỳ ba sẽ đưa ra kế hoạch cải cách thần kỳ này.
Tuần qua, Hội nghị đó đã kết thúc.
Hội nghị quy tụ 373 Ủy viên Trung ương đảng và Dự khuyết kéo nhau vào nơi củ mật nhất của thủ đô Bắc Kinh để họp bốn ngày liền. Nơi củ mật là Khách sạn Kinh Tây do Quân đội quản lý và bảo vệ như một pháo đài. Dân chúng Bắc Kinh bị bóp họng đã nhân dịp chơi chữ mà gọi chốn linh thiêng đó là "Kinh Hí" (cũng phiên âm là Jingxi), có nghĩa là tuồng hát ở kinh đô! Truyền thông uyên bác thì gọi là Beijing Opera.
Có máu Ba Giai thì ta gọi ký kịch đó là "Cải cách Củ mật", xin ai đừng nghĩ bậy như Tú Xuất sang "Kủ kải", vì chữ "củ" cũng có nghĩa là rối beng. Rối ren trong bí mật!
***
Bộ Chính trị Khoá 18 đã mất gần một năm để thu thập ý nguyện của ngần ấy phe phái, vây cánh và cơ sở quyền lực kinh tế lẫn chính trị và soạn ra một thực đơn 18 món. Có đủ sơn hào hải vị, thất tình lục dục lẫn bát trân bát bửu. Phe nào cũng thấy những đòi hỏi chính đáng của quần chúng nhân dân lao động bên dưới được thể hiện rõ ràng trong một mớ chữ đầy mâu thuẫn.
Rốt cuộc thì vẫn là kinh tế thị trường mà theo định hướng xã hội chủ nghĩa (xin nói về chữ nghĩa để đừng dịch sai, "xã hội chủ nghĩa" là phạm trù tư tưởng, khác với "chủ nghĩa xã hội" là trạng thái xã hội). Vẫn là xã hội chủ nghĩa nhưng với màu sắc Trung Quốc ("Trung Quốc đặc sắc xã hội chủ nghĩa"), tức là nét lưỡng thể phi cầm phi thú của "kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa".
Nhưng vẫn nằm trong Chủ nghĩa Mác-Lênin, được cải tiến bằng "Tư tưởng Mao Trạch Đông", hoàn thiện bằng "Lý thuyết Đặng Tiểu Bình" và "Phương hướng Giang Trạch Dân", là dùng lực đẩy của thuyết "tam biểu": đảng là đại biểu của các phương tiện sản xuất tiên tiến, của nền văn hóa kỹ thuật tiên tiến và của quyền lợi chính đảng của đại đa số quần chúng nhân dân...
Sau khi dựng lên tấm bình phong kiên cố và phải đạo như vậy rồi, Hội nghị mới thông báo một thực đơn toàn những món ăn chơi.
Các nhà bình luận quốc tế đều soi kính hiển vi và phát giác bước ngoặt vĩ đại là nỗ lực "thâm hóa cải cách" – cho sâu hơn – để quy luật thị trường giữ vai trò "quyết định" thay vì "cơ bản" như trước đây. Thế là vui rồi!
Chứ nội dung bên dưới khẩu hiệu huy hoàng này vẫn là chuyện củ mật.
Làm sao vận dụng quy luật thị trường mà tránh được dao động quá đáng và nạn bong bóng đầu cơ đang nổi lên từ các đại gia trong đảng? Làm sao san bằng bất công xã hội và khác biệt quá lớn giữa đô thị với nông thôn, giữa vùng duyên hải lý tài nhộn nhịp với các tỉnh bị khóa bên trong? Làm sao thị trường có thể vận hành khi mà một lực lượng lao động rất lớn, đến vài trăm triệu "dân công" trong tổng số 900 triệu người, vẫn chưa có hộ khẩu?
Vì sao Hội nghị không nhắc đến con quái vật nằm giữa đại sảnh là chế độ hộ khẩu?
Dưới ánh sáng tù mù đó, ta mới chú ý đến việc Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị lập ra một "Quốc gia An toàn Ủy trung hội", một Hội đồng An ninh Quốc gia, để tập trung các phần vụ ngoại giao, an ninh, tình báo, quân sự và trật tự công cộng trước đây vẫn phân tán ở nhiều nơi.
Trong hệ thống tổ chức của đảng, Ban Chính Pháp Trung ương là bộ phận có trách nhiệm giữ gìn trật tự công cộng bên trong (qua Bộ Công An) và công tác tình báo phản gián với bên ngoài (qua Bộ Quốc An). Với nạn Bạc Hy Lai cùng kẻ đỡ đầu là Trưởng ban Chính pháp Chu Vĩnh Khang, sau Đại hội 18, người lên cầm đầu cái ban bệ ghê gớm này (Mạnh Kiến Trụ) không ở trong Thường vụ Bộ Chính trị nữa. Và Tập Cận Bình cần dưới tay một cơ chế phối hợp trực tiếp hơn. Mục tiêu không nhắm vào an ninh đối ngoại mà để kiểm soát tình hình bên trong.
Đấy mới là một cản trở của cải cách và có thể giải thích vì sao chưa có thay đổi gì lớn trong chế độ hộ khẩu như nhiều người đã đề nghị hoặc trông đợi. Nếu không giải tỏa chính sách hộ khẩu thì làm sao giải quyết bài toán an sinh xã hội, nâng cao sức tiêu thụ của thị trường nội địa làm lực đẩy thay thế cho đầu tư của khu vực công?
Một con voi trắng lù lù trong đại sảnh của khách sạn Kinh Tây cũng thơ thới bước ra. Đó là kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Người ta chỉ được biết tư nhân sẽ có thêm quyền hạn đầu tư – châm tiền cấp cứu – xí nghiệp quốc doanh, nhưng vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn được duy trì. Chế độ tư bản nhà nước và đám tòng vong là tham ô, lãng phí và bóc lột, vẫn tiếp tục tung hoành, dưới một núi nợ vĩ đại của hệ thống tín dụng cũng của nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Cũng vậy, việc cải cách chính sách tín dụng và hệ thống ngân hàng hay cải cách thuế vụ để tránh nạn địa phương cướp đất của dân làm nguồn thu ngân sách, những yêu cầu đó vẫn là mờ mồ nhân ảnh. Chưa nói gì đến chuyện phòng the cũng củ mật không kém: nới lỏng chế độ kiểm soát sinh đẻ và chấm dứt chính sách mỗi hộ một con để trong vài thế hệ nữa sẽ tạo ra sự chuyển dịch dân số tốt đẹp hơn tình trạng chưa giàu đã già như hiện nay.
Còn nhiều lắm....
***
Chúng ta đều có thể hiểu rằng sau một hội nghị có tầm chiến lược như vậy, lãnh đạo Bắc Kinh phải mất nhiều năm khai triển, thuyết phục, hoặc bẻ tay đấu đá rồi mới có kế hoạch và chương trình áp dụng. Vì vậy, không ai chờ đợi một nghị quyết hoàn chỉnh để trên dưới sẽ răm rắp thi hành. Mặc dù như vậy, việc lãnh đạo xứ này phải dung hòa nhiều quan điểm trái ngược và nói ra những ước nguyện đầy mâu thuẫn có thể cho thấy một sự thật khác: Đảng chưa nhất trí!
Chỉ vì bên dưới vẫn còn quá nhiều thế lực cưỡng chống và muốn duy trì hiện trạng để bảo vệ quyền lợi riêng.
Hiện tượng đó thì tự cổ chí kim nơi nào cũng có. Nhưng nếu có thông tin minh bạch trong một thể chế dân chủ được gạn lọc qua bầu cử tự do thì ít ra những người trong cuộc vẫn còn tiếng nói. Trung Quốc tiên tiến thì chưa đi tới chốn đó. Vì vậy, giấc mộng Trung Hoa và đà tăng trưởng thần kỳ vẫn là mộng mị.
Hỏi các kinh tế gia lạc quan năm xưa thì họ giơ cả hai tay lên trời!

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

TẠM THỜI CHO NGẮN HẠN NHƯNG XẤU DÀI HẠN

Bài đọc liên quan:
Hôm khai mạc hội nghị trung ương 8 vừa qua, ông thủ tướng đọc báo cáo tại hội nghị trung ương 8 đang diễn ra có đoạn, kinh tế vĩ mô tạm ổn sau hơn 2 năm thực thi nghị quyết 11/2011. Lạm phát đã được thủ tiêu. Niềm tin dân chúng vào đồng tiền đã được củng cố. Tình trạng đô la hóa và vàng hóa thị trường đã được kiểm soát. Tăng trưởng tuy không đạt như mong muốn, nhưng tốt trong tình trạng kinh tế đang suy thoái trong nước và toàn cầu. Tất cả những điểm sáng này là do một tay ông Thống đốc NHNNVN Nguyễn Văn Bình làm ra, dĩ nhiên có sự góp phần của các bộ, ban ngành khác.

Từ tháng 8/2011 ông Nguyễn Văn Bình nhậm chức Thống đốc NHNN VN là lúc dầu sôi lửa bỏng. Lãi suất ngân hàng kịch trần lên đến 28 - 30%/năm. Lạm phát của năm đứng hàng thứ 2 trên thế giới - chỉ sau Venezuela 29.6% - khoảng 17.15%. Bong bóng bất động sản xì hơi giai đoạn khốc liệt nhất. Nợ xấu tràn lan, doanh nghiệp chờ ngày chết, và đóng cửa hàng loạt. Sức mua của dân cạn kiệt sau nghị quyết 11/2011 được ban hành. Kinh tế vĩ mô khốn đốn. Mọi hậu quả đó là do người tiền nhiệm để lại. Ông phải tháo gỡ khó khăn.
Có 3 vấn đề về mặt ngắn hạn ông Thống đốc NHNNVN làm tốt cho ngắn hạn, nhưng cũng là cái xấu cho dài hạn của nền kinh tế nước nhà.
Vấn đề độc quyền kinh doanh vàng và đô là là một việc tốt. Nó đã giúp đảng cầm quyền đem về lợi nhuận gần 6.500 tỷ để góp vào ngân sách nhà nước đang thiếu hụt vì tình trạng kinh tế đang khốn đốn. Nó đã giúp tình trạng vàng hóa và đô la hóa bị tiêu diệt. Nhưng về dài hạn, nó đã góp phần làm tê liệt một mảng lớn của kinh tế vĩ mô của đất nước - tài nguyên, vàng đô la và chứng khoán. Điều này kéo theo đồng tiền sẽ bị nằm trong ao tù nước đọng, dẫn đến kinh tế ngoài nhà nước thiếu hụt tư bản đầu tư, và các doanh nghiệp tư nhân sẽ khốn đốn. Trong khi đó, doanh nghiệp ngòai nhà nước đóng góp đến hơn 60% GDP của đất nước. Còn nhớ những năm đầu 1990s cũng độc quyền vàng đô la, thị trường heo hút, sau đó xóa độc quyền thị trường trở nên sôi động và kinh tế thoát hiểm. Cambodia cứ thả cửa cho đô la và vàng hóa, nhưng đồng tiền của họ vẫn mạnh hơn đồng tiền Việt và không lạm phát, đồng đô la cũng không giết được đồng Ria.
Tăng lãi suất kịch trần và hạ lãi suất chậm chạp là vấn đề thứ hai ông Bình đang cố gắng làm, để khởi động lại dòng tiền tín dụng đến các doanh nghiệp đang khát vốn, và cứu lấy bong bóng bất động sản đang xì hơi đến kiệt quệ. Giai đoạn tăng lãi suất kịch trần nhằm giảm lạm phát. Sau khi kinh tế suy sụp, sức mua của dân cạn kiệt, tình trạng lạm phát không thể xảy ra dù giá xăng dầu tăng đến 3 lần trong 1 tháng, là bắt đầu lúc ông Bình hạ lãi suất ngân hàng đến 3 lần liên tiếp. Điều này đúng, nhưng lúc này việc hạ trần lãi suất lại không có tác dụng vì; Dư nợ vay tín dụng của các ngân hàng ở lãi suất cũ quá cao; thiếu thanh khoản ở các ngân hàng đang ở giai đoạn tầm trọng vì đóng băng bất động sản; khả năng cho vay của các ngân hàng lại kém, vì doanh nghiệp sắp chết thì không đủ điều kiện cho vay, doanh nghiệp làm ăn được thì thu nhỏ thị trường không cần phải vay. Hậu quả là, toàn hệ thống ngân hàng như con rắn đang tự ăn cái đuôi của mình cho đến khi tự nuốt đến cái đầu.
Giải quyết nợ xấu là lĩnh vực ông Thống đốc làm cũng tốt cho đến bay giờ. Mua bán và sáp nhập các NH mất khả năng chi trả vào những ngân hàng còn mạnh, và đang là chủ nợ của ngân hàng kia, là một việc làm đúng của ông. Nhưng nó lại làm 2 cái nợ nhỏ gộp thành một cái nợ to, cũng chỉ là giải pháp tình huống trong lúc bỉ cực. Không còn cách nào khác, vì không thể làm sụp bất kỳ một ngân hàng nào trong lúc này sẽ kéo theo chuỗi domino kinh tế sụp đổ, và có thể kéo theo động loạn chính trị. Từ đây nợ xấu bắt đầu hiển hiện, và việc hình thành VAMC - công ty mua bán nợ xấu quốc gia - mua một đống nợ xấu nhưng không biết sẽ bán nó cho ai? Một cách giật gấu vá vai trì hoãn thời điểm tử vong của một con bệnh nan y.
Nhiều bài viết về ông Thống đốc ngân hàng nhà nước đương nhiệm - Nguyễn Văn Bình - đa số đều chê, chưa thấy lời khen. Thực ra, việc ông Bình làm trong gần 3 năm qua có cái tốt ngắn hạn, lại là cái xấu trong dài hạn. Nhìn bề ngoài là kinh tế đang phục hồi, và các khoản nợ xấu đang được giải quyết ổn thỏa, nhưng nợ xấu của ngân hàng lại chính của ngân hàng nợ ngân hàng. Hay nói cách khác, ngân hàng đang là con nợ xấu của tiền tiết kiệm mà người dân đang ký gửi ở các ngân hàng để lấy lãi.
Một bài toán khó cho không chỉ riêng ông Thống đốc NHNNVN, mà cho tất cả mọi chuyên gia tài chính ngân hàng toàn cầu, khi những quyết định được đưa ra bằng ý chí của chính khách, chứ không giải quyết bằng cách bài bản của kinh tế tài chính học thực sự. Trong ngắn hạn, ông Thống đốc đang giải quyết tốt, nhưng trong dài hạn, tất cả những tồn đọng từ dạng này chuyển sang dạng khác theo cách giải quyết của ông, và đặc biệt, hệ lụy của xóa sổ một mảng kinh tế lớn - vàng và đô la - sẽ đẩy nền kinh tế nước Việt như một cây cổ thụ mục, rỗng ruột, chỉ còn cái vỏ, chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua, nó đổ sụp bất kỳ lúc nào không thể ai có thể đoán được.
Asia Clinic, 14h42' ngày thứ Hai, 04/11/2013