Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Sự phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam càng ngày càng tăng cao

Nguồn: Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-12-06
Dựa trên  những dữ liệu thu thập được trong giai đoạn 1992/ 1993 đến 2014, khoảng  cách giàu nghèo ở Việt Nam phân thành hai cực rõ rệt, tình trạng bất bình đẳng về mức sống  gia tăng trong vòng hai thập niên qua.
Đó là nhận định của tiến sĩ Đỗ Thiên Kính thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội trong báo cáo có tên Xu Hướng  Bất Bình Đẳng Về Mức Sống Ở Việt Nam Trong 20 Năm Đổi Mới, công bố ngày thứ Năm 3 tháng 12 vừa qua.
Theo giải thích của tiến sĩ Đỗ Thiên Kính, khái niệm mức sống ở đây được đo lường qua các chỉ báo như thu nhập, chi tiêu ngoài ăn uống và giá trị tài sản nơi ở chính.
Đối chiếu với tiêu chuẩn của Ngân Hàng Thế Giới, ông nói trong báo cáo rằng phân bổ thu nhập trong dân cư Việt Nam, từ mức bất bình đẳng vừa giai đoạn 2008 đến 2012, tăng lên dần tính đến lúc này, kéo theo hậu quả là  giàu nghèo đã phân rất rõ thành hai cực.
Một cách cụ thể thì nhóm đầu là số hộ  giàu, khoảng 20% dân số, chiếm 54,4% tổng thu nhập toàn quốc, trong lúc ba nhóm ở giữa với 60% dân số chỉ chiếm 40,9% thu nhập toàn quốc, còn lại nhóm thứ ba là các hộ nghèo, tức 20% dân số còn lại, chỉ  chiếm 4,7% tổng thu nhập toàn quốc mà thôi.
Nếu mức độ bất bình đẳng được thể hiện bằng biểu đồ, tiến sĩ Đỗ Thiên Kính phân tích tiếp, người ta sẽ thấy hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam có hình kim tự tháp với phần chóp, là tầng cao nhất, tính theo thứ tự từ trên xuống là lãnh đạo, quản lý, doanh nhân và chuyên gia có chuyên môn cao.
Tầng thứ nhì, tức tầng giữa của mức độ bất bình đẳng gồm nhân viên, công nhân, buôn bán dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.
Sau cùng, tầng thứ ba, là tầng lớp thấp nhất, bao gồm lao động không chuyên, lao động giản đơn và nông dân.
Chính vì vậy, tiến sĩ Đỗ Thiên Kính khẳng định, muốn thay đổi, muốn giảm đi mức bất bình đẳng và giảm đi sự phân cực giàu nghèo, thì hệ thống phân tầng xã hội phải được chuyển từ mô hình kim tự tháp sang mô hình quả trám với tầng lớp ở giữa gồm 60% dân số sẽ phải đông đảo hơn, sẽ phình to ra ở giữa như hình quả trám.
Một người ở Hoa Kỳ thường về Việt Nam 15 năm qua với chương trình cho người nghèo vay vốn để cải thiện và nâng cao mức sống, tiến sĩ Phùng Liên Đoàn nhận xét:
Bất cứ một xã hội đang phát triển nào thì sự phân cực giàu và nghèo cũng rất là rõ rệt. Người giàu thì thật là giàu và người nghèo đi kiếm từng đồng. Thành ra cái đó không phải là ý kiến mới hay nhận xét mới. Nhưng nếu họ có báo cáo đấy trong Viện Hàn Lâm Khoa Học  Xã Hội thì tôi thấy đó là sự tiến bộ. Từ trước đến nay đâu có  ai dám nói như vậy, nhất là một cơ quan được tiền của chính phủ và phần  lớn là người trong đảng cả.
Báo cáo mới nhất về  xu hướng bất bình đẳng xã hội và sự phân cực giàu nghèo của tiến sĩ Đỗ Thiên Kính được chuyên gia Vũ Đình Ánh, Bộ Tài Chánh Hà Nội, nhận xét là một kết quả nghiên cứu tốt bởi nó đưa ra   những bằng chứng cũng như lập luận dựa trên số liệu của các nguồn chính thống:
Thế còn kết luận trong đó, ví dụ như bất bình đẳng tăng cao hay sự phân hóa giàu nghèo tăng cao thì không có gì đáng ngạc nhiên cả. Về nguyên tắc  tôi cho rằng đấy là một bài nghiên cứu tốt, tuy nhiên có thể  nói những vấn đề mà bài nghiên cứu nêu ra thì không có gì mới, ta còn cần làm nhiều hơn.
Dưới mắt chuyên gia kinh tế Phạm Chí Dũng, báo cáo của tiến sĩ Đỗ Thiên Kính đúng về nhận định nhưng không xác thực về con số:
Chẳng hạn nói 20% số người  giàu ở  Việt Nam chiếm hơn 50% tổng tài sản toàn quốc thì tôi muốn nói lại rằng theo con số công bố không chính thức thì 1% số người  giàu ở Việt Nam đã  chiếm 40% tổng tài sản toàn quốc rồi.
Phân hóa giàu nghèo  ở Việt Nam hiện đã phân cực rất cao. Năm 1997  chính báo Tuổi Trẻ đã thông tin là so sánh 5% người có thu nhập cao nhất với 5% người có thu nhập thấp nhất ở Việt Nam thì khoảng cách đã lên tới 30 lần vào thời điểm những năm 1997-98. Trong khi đó con số thống kê của nhà nước Việt Nam vào lúc đó, so sánh 5% thu nhập cao nhất và 5% thu nhập thấp nhất, chỉ khoảng chừng 7  hay 8 lần mà thôi và cho tới giờ vẫn chỉ chấp nhận  khoảng 10 lần, không hơn.
Trong đánh giá của một vài chuyên gia phản biện độc lập, hệ số bất bình đẳng của xã hội Việt Nam phải lên tới từ 0,6 đến 0,7 và như vậy là rất cao.
Trở lại với bản phúc trình  của tiến sĩ Đỗ Thiên Kính, phải làm sao tăng thu nhập cho ba nhóm ở giữa gồm 60% dân số luôn là xu hướng biến đổi xã hội của các nước trên thế giới trong quá trình công nghiệp hóa. Thực hiện được điều này, ông khẳng định, là bảo đảm được cho sự phát triển hài hòa, bền vững, ổn định của một cấu trúc xã hội hiện đại.
Việc chuyển đổi cơ cấu kinh doanh, bằng cách phát triển kinh tế tư nhân với thành  phần dân doanh đóng vai trò chủ đạo, tạo điều kiện cho sự tích tụ ruộng đất là cách thúc đẩy tầng lớp nông dân vươn đến địa vị kinh tế  xã hội cao hơn. Ý kiến của chuyên gia tài chánh Vũ Đình Ánh:
Quan trọng là đẩy tầng  lớp dưới cùng, 20% dưới cùng, làm sao mà đẩy thu nhập của họ lên. Đấy là biện pháp thứ nhất. Chứ còn trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, với mô thức phát triển như hiện nay thì khoảng cách giàu nghèo nó càng giãn rộng.
Vấn đề thứ hai nữa là phải tăng cường các biện pháp sử dụng để mà phân phối lại. Cái này cũng đã được thực hiện rồi nhưng dường như là hiệu quả chưa lớn.
Về điểm này, tiến sĩ Phùng Liên Đoàn góp ý:
Cần  bành trướng kinh tế dân sự, doanh nghiệp nhà nước là phải dẹp  đi bởi vì bao nhiêu lợi  nhuận là họ thâu  hết, bao nhiêu nợ nần thì họ lại đùn cho 80% người dân ở dưới. Nếu dẹp bớt vai trò quốc doanh đi thì người dân làm việc được nhiều hơn, doanh thu sẽ vào nhiều hơn, sự phân cực  giàu nghèo không thể  càng ngày càng tăng được. Đó là chính sách rất quan trọng của nhà nước.
Theo tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, mô hình quả trám đưa ra trong báo cáo từng là mô hình chuẩn cho phát triển kinh tế xã hội ở Singapore trước đây:
Mô hình quả trám có thể nói là tương đối tối ưu của xã hội đang phát triển nhưng chưa thấy hy vọng Việt Nam có thể thực hiện được. Kinh tế quốc doanh thực ra chiếm tới 2/3 tổng tài sản  kinh tế nhưng hiệu quả chỉ bằng một nửa khối kinh tế tư nhân. Cho nên đã đến lúc phải chuyển khối kinh tế tư nhân, nếu không chủ đạo được, thì ít nhất phải ngang bằng kinh tế nhà nước.
Giải pháp thứ hai là phục hồi quyền tư hữu về đất đai cho người dân, trong đó có nông dân. Đặt ra như vậy nhưng đọc dự thảo văn kiện của đại hội XII thì đảng cầm quyền Việt Nam vẫn đi theo biện pháp 2013 kinh tế nhà nước là chủ đạo.
Trong lúc kinh tế gia Phạm Chí Dũng cho rằng con đường chuyển dịch cơ cấu của Việt Nam hãy còn xa, thì  tiến sĩ Đỗ Thiên Kính, nhấn mạnh đến một điểm mới là khuyến nghị này đưa trên cơ sở tiếp cận xã hội học và kinh tế học, xem xét hiện thực từ hai khía cạnh kinh tế và xã hội.

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Thuật toán “trì hoãn” – một giải pháp bổ khuyết cho cơ chế thị trường hay còn gọi “Lý thuyết thiết kế thị trường”

Trong kinh tế, nhiều vấn đề được giải quyết bằng hệ thống giá cả. Tuy nhiên, cũng có nhiều lĩnh vực mà cơ chế giá cả không thể giải quyết trọn vẹn vấn đề, nhất là khi đụng chạm đến phạm trù đạo đức. Ví dụ như việc hiến tặng nội tạng, hay phân phối học sinh vào các trường công lập. Đặc điểm chung của những lĩnh vực đó là các “sản phẩm” không hoàn toàn đồng nhất, hoặc thị trường rất “mỏng”.

. Cho đến trước những năm 1940, thị trường tuyển dụng bác sỹ mới ra trường ở Mỹ còn “mỏng” và không tập trung. Thời gian sau đó bắt đầu chứng kiến sự bùng nổ của thị trường, dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn. Để có thể tuyển dụng được, các bệnh viện phải đưa ra những quyết định tuyển người rất sớm, vì nếu từ chối ứng viên nào đó, rất có thể là đã quá muộn để có một ứng viên khác nộp đơn. Tình hình đó buộc các bệnh viện đưa ra những thời hạn chót cho ứng viên rất gấp. Điều này kéo theo việc sinh viên phải nhận chỗ làm tương lai thậm chí ngay từ khi chưa quyết định mình sẽ theo chuyên ngành gì.

Tình hình tương tự cũng được quan sát thấy ở các nước khác như Anh và Canada.

Để giải quyết tình trạng trên, khoảng những năm 1950 ở Mỹ đã thành lập những trung tâm điều phối, nhằm giúp cho thị trường bác sĩ mới tránh được hiện tượng “tắc nghẽn”. Năm 1984, Roth phát hiện ra rằng, thuật toán mà các trung tâm điều phối ở Mỹ áp dụng thực chất gần với thuật toán chấp nhận trì hoãn của Gale và Shapley, xây dựng trong một bài báo đăng trên tạp chí American Mathematical Monthly năm 1962.

Một hiện tượng khác cho thấy sự cần thiết phải có thuật toán điều phối tương tự là vấn đề tuyển sinh vào các trường công lập ở New York. Học sinh có thể chọn trường mình muốn theo học, nhà trường có thể ưu tiên theo những tiêu chí riêng của họ, như học lực, khả năng thể thao, văn nghệ,… Cho đến trước năm 2003, việc phân phối học sinh vào các trường theo nguyên tắc sau: mỗi học sinh đưa ra năm nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, các trường lấy từ trên xuống cũng theo thứ tự ưu tiên của họ. Nếu học sinh nào mà cả năm nguyện vọng đều không được thỏa mãn (hết chỗ) thì buộc phải theo sự sắp xếp của thành phố. Quy tắc này giống với cách tuyển sinh đại học (theo thứ tự điểm) áp dụng hiện nay ở Việt Nam. Tạm gọi đó là thuật toán chấp nhận tức khắc. Theo quy tắc này, hằng năm ở New York có khoảng 30.000 học sinh không được theo học ở trường nào trong năm trường có nguyện vọng.

Roth phát hiện ra rằng, những vấn đề nêu trên đối với thị trường bác sĩ cũng như tuyển sinh, và nhiều vấn đề khác của thực tiễn có thể giải quyết nhờ thuật toán chấp nhận trì hoãn.

Thuật toán chấp nhận trì hoãn

Những vấn đề của thị trường bác sĩ và tuyển sinh có nét chung: đó là cần đến sự “ghép cặp” (giữa nhà tuyển dụng và ứng viên, giữa học sinh và nhà trường). Việc ghép cặp này phải bảo đảm ba yêu cầu:
- Ổn định: không xảy ra “nguyện vọng chéo”, tức là không xảy ra việc ứng viên A muốn vào X thì bị ghép vào Y, ngược lại ứng viên B muốn vào Y thì bị ghép vào X. Nếu có tình trạng đó, các ứng viên sẽ có nguyện vọng trao đổi, và hệ thống mất ổn định.

- Khuyến khích sự thành thật: các ứng viên cần đưa ra thứ tự ưu tiên thật sự của mình. Thuật toán cần đảm bảo sao cho sự thành thật làm lợi cho ứng viên, tránh tình trạng người gian dối được hưởng lợi.

- Thuật toán phải đơn giản, dễ áp dụng.

Điều đáng ngạc nhiên là một thuật toán đáp ứng cả ba yêu cầu đó đã được hai nhà toán học Gale và Shapley đưa ra năm 1962 ([3]), nhưng chính các tác giả không hề biết về khả năng áp dụng thuật toán.

Thuật toán chấp nhận trì hoãn (deferred acceptance algorithm) có thể mô tả như sau.

Xét một thị trường hai phía, gồm nhà tuyển dụng và ứng viên (ví dụ nhà trường và sinh viên). Các trường và sinh viên gửi danh sách thứ tự ưu tiên của mình đến một trung tâm thông tin.

Bước 1: Trung tâm xếp các sinh viên vào các trường theo “nguyện vọng 1” của họ. Các trường nhận (tạm thời) theo thứ tự ưu tiên. Khi đã đủ số cần thiết, những ứng viên còn lại bị từ chối.

Quá trình trên được lặp lại, cụ thể là:

Ở bước thứ k, mỗi sinh viên bị từ chối ở các bước 1 đến k-1 sẽ được đưa vào trường tiếp theo trong danh sách các nguyện vọng của sinh viên đó. Các trường sẽ lại xét theo danh sách mới (bao gồm các sinh viên đã được chấp nhận tạm thời ở những bước trước và những sinh viên vừa được đưa vào) và đưa ra danh sách chấp nhận tạm thời mới. Những sinh viên còn lại bị từ chối.

Quá trình kết thúc khi không còn đơn nhập học nào bị từ chối, hoặc khi chỉ còn lại những sinh viên đã bị từ chối ở tất cả các bước.

Gale và Shapley đã chứng minh chặt chẽ về mặt toán học những kết luận sau đây:

- Thuật toán kết thúc sau hữu hạn bước, và cho một lời giải ổn định

- Lời giải là tốt nhất có thể đối với các chàng trai. Nếu các cô gái được chủ động kén rể, thì kết quả sẽ tốt nhất cho các cô gái. Trong ví dụ trên đây, kết quả ghép cặp không thay đổi, tuy nhiên trong trường hợp tổng quát, kết quả có thể sẽ khác. Tức là, thuật toán nhằm ưu tiên quyền lợi cho “ứng viên”.

- Thuật toán áp dụng được cho cả những trường hợp số chàng trai và số cô gái khác nhau.
Cho đến những năm 1970, thuật toán chấp nhận trì hoãn của Gale và Shapley chỉ có ý nghĩa lý thuyết.

Lý thuyết thiết kế thị trường

Alvin Roth là người phát hiện ra khả năng ứng dụng to lớn của thuật toán chấp nhận trì hoãn. Roth chỉ ra rằng quan điểm “ổn định” giúp ta hiểu được khi nào thị trường hoạt động tốt, khi nào thì không. Cùng với các cộng sự, Roth đã kết hợp giữa những nghiên cứu thực tế với những thí nghiệm kiểm soát được trong phòng thí nghiệm, với việc sử dụng tương tự trên máy tính để kiểm tra cơ chế hoạt động của thị trường. Họ đã hoàn thiện và phát triển thuật toán của Gale và Shapley, áp dụng chúng để đề xuất những cơ chế giúp thị trường hoạt động tốt hơn. Những nghiên cứu này đã tạo nên một lĩnh vực mới trong kinh tế, được gọi là thiết kế thị trường. Trong lý thuyết của mình, Roth sử dụng cả những thành tựu của lý thuyết trò chơi hợp tác và bất hợp tác.

Từ năm 2003, những phương án do Roth và các cộng sự đề xuất cũng được áp dụng vào việc tuyển sinh của các trường công lập ở New York. Kết quả thật ấn tượng: con số khoảng 30.000 học sinh không được học đúng nguyện vọng hằng năm giảm xuống còn khoảng 3.000. Nhiều thành phố khác cũng bắt đầu áp dụng thuật toán đó, chẳng hạn Boston bắt đầu áp dụng từ 2005.

Những nghiên cứu về thiết kế thị trường của Roth cũng được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước khác, như Anh, Canada, Nhật, vì những vấn đề đặt ra ở đó là hoàn toàn tương tự.

Những công trình về thiết kế thị trường của Roth và Shapley không chỉ liên quan đến những thị trường hai phía, mà còn cả những thị trường một phía. Năm 1974, Shapley và Scarf nghiên cứu những thị trường một phía, trong đó người tham gia có những tài sản nào đó (chẳng hạn những lô đất) mà họ muốn trao đổi với nhau không thông qua việc trả tiền. Mô hình này còn được cải tiến cho trường hợp có những người tham gia mà không có tài sản gì! Shapley và Scarf chứng minh rằng, thuật toán chu trình thương mại hàng đầu (top-trading cycle algorithm) của Gale sẽ đưa ra được một phân phối ổn định. Có thể mô tả thuật toán đó như sau.

Xét một tập hợp những đối tượng tham gia trao đổi. Ta vẽ một mũi tên xuất phát từ mỗi đối tượng A và đi đến đối tượng B đang nắm giữ tài sản mà A thích nhất. Làm như vậy, về mặt toán học, ta được một đồ thị hữu hạn có hướng. Trong mỗi đồ thị như vậy đều tồn tại ít nhất một chu trình. Khi đó những đối tượng nằm trong chu trình sẽ trao đổi với nhau, và họ được loại ra ngoài hệ thống. Quá trình tiếp tục cho đến khi không còn đối tượng nào. Roth và Postlewaite (1977) chứng minh rằng tồn tại duy nhất một phân phối ổn định.

Thuật toán trên đây được áp dụng rất hiệu quả ở Anh trong vấn đề điều phối việc hiến tặng nội tạng. Ví dụ, một người nào đó muốn hiến thận cho người thân của mình, nhưng nhóm máu của họ không hợp. Khi đó, họ sẵn sàng hiến cho người khác, với điều kiện người thân của mình nhận được quả thận thích hợp. Nếu chỉ có hai cặp như vậy chỉ cần tiến hành bốn ca mổ đồng thời. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp hơn nhiều nếu không tìm ngay được một cặp thích hợp. Điều này dẫn đến việc phải thành lập những trung tâm điều phối, hoạt động trên cơ sở thuật toán vừa mô tả.

Kết luận

Giải Nobel 2012 của Roth và Shapley là thành tựu của việc kết hợp giữa lý thuyết toán học (thuật toán chấp nhận trì hoãn của Gale-Shapley và thuật toán chu trình thương mại hàng đầu của Gale) với những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thực tiễn thị trường (Roth và các cộng sự). Điều này một lần nữa minh chứng cho tiềm năng ứng dụng của những nghiên cứu toán học trừu tượng, và những thành tựu đạt được với sự phối hợp những nghiên cứu đa ngành, một xu hướng tất yếu của khoa học hiện đại.

Sự đơn giản và hiệu quả của thuật toán chấp nhận trì hoãn cho chúng ta hy vọng có thể tìm thấy những ứng dụng của nó trong thực tiễn Việt Nam. Ví dụ như trong việc thiết kế cơ chế tuyển sinh thế nào cho phù hợp với xã hội; thiết kế cơ chế hoạt động của Trung tâm Điều phối hiến tặng nội tạng được thành lập cách đây không lâu.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, thực tiễn luôn đặt ra rất nhiều vấn đề phải giải quyết, và thị trường Việt Nam chắc chắn không giống với thị trường của bất kỳ nước nào. Vì thế, những thành tựu của Roth và Shapley, nếu có thể ứng dụng vào Việt Nam, chắc chắn cần nhiều cải tiến cho phù hợp.


Theo GS Toán học Hà Huy Khoái

Lớp Toán - Cơ K21 - ĐHTHHN sau 35 năm ra trường


Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Chuyên nghiệp và đạo đức trong dịch vụ công: Vấn đề và thực tiễn ở một số vùng cụ thể


Tóm tắt
Các vụ xì-căng-đan liên quan đến các nhân viên chính phủ hiện đang thu hút sự chú ý của thế giới trong những ngàyqua. Bất ngờ chứng kiến các thương vụ tư nhân mờ ám, các khoản viện trợ lệch hướng, các khoản bảo trợ lĩnh vực công trải rộng, chủ nghĩa tư bản băng đảng (1) (crony capitalism), lạm dụng việc tài trợ cho các cuộc vận động, dư luận hiện đang tranh cãi công khai về tham nhũng và sự thiếu chuyên nghiệp trong các chính phủ. Liệu nhân viên chính phủ có đòi hỏi phải có tiêu chuẩn trong làm việc và cư xử cao hơn những người khác hay không? Nếu có, thì tại sao? Cùng với sự ra đời của nhà nước hiện đại, nhân viên chính phủ được coi là những người quản lý nguồn lực công cộng và là người canh giữ niềm tin đặc biệt mà người dân đã đặt vào họ. Đáp trả sự tin tưởng này, người ta tin rằng nhân viên chính phủ sẽ đặt lợi ích công lên trên lợi ích tư.
Dịch vụ công, được cung cấp bởi nhân viên chính phủ – những người chịu sự điều chỉnh bởi các quy định cấp trung ương và địa phương về dịch vụ công, là một phần không thể thiếu của quá trình phát triển bền vững và năng lực điều hành quốc gia tốt. Đây cũng là một bộ phận không thể tách rời của nền dân chủ, bởi vì nó hoạt động trên cơ chế quản trị trung lập nhằm thực thi các quyết định của nhóm đại diện của người dân. Dịch vụ công không chỉ đóng vai trò trụ cột trong việc giúp chính phủ thực hiện các chiến lược tăng trưởng kinh tế của quốc gia mà còn triển khai các chương trình có chức năng đảm bảo an toàn cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Với những vai trò cốt yếu như vậy, một quốc gia luôn mong muốn dịch vụ công của mình thể hiện được các tiêu chuẩn cao về sự chuyên nghiệp và tính đạo đức.
Sự chuyên nghiệp trong dịch vụ công thể hiện giá trị bao quát toàn bộ, quyết định cách thức các hoạt động sẽ được tiến hành. Nó chứa đựng tất cả các giá trị khác điều chỉnh dịch vụ công như sự trung thành, tính trung lập, minh bạch, sự tận tụy, chuẩn mực về thời gian, hiệu quả, công bằng và các giá trị cụ thể khác đối với từng quốc gia. Tính đạo đức trong dịch vụ công bao gồm một loạt các tiêu chuẩn rộng mô tả cách thức người cung cấp dịch vụ công nên cư xử khi đánh giá và ra quyết định trong lúc thi hành nhiệm vụ của họ. Những giá trị và tiêu chuẩn này được củng cố hơn nếu có một hệ thống các chính sách quản lý, thủ tục điều hành, và cơ quan giám sát để đưa ra các ưu đãi hoặc hình phạt nhằm khuyến khích nhân viên chính phủ thực thi nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp và đạt tiêu chuẩn cao.
Tuy nhiên, nhân viên chính phủ tại các quốc gia đang phát triển hoặc đang trong giai đoạn chuyển dịch vừa phải đối mặt với các thách thức toàn cầu của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, vừa phải thực thi nhiệm vụ dưới những khó khăn riêng. Thế giới có lẽ không còn bị đe doạ bởi chiến tranh lạnh, nhưng thay vào đó, lại đang phải đối mặt với xung đột sắc tộc leo thang, sự dân chủ hoá rộng khắp và những hệ luỵ gia tăng, một sự cân bằng đang dịch chuyển giữa các lực lượng xã hội dân sự/thị trường/nhà nước, toàn cầu hoá kinh tế, và những đòi hỏi ngày càng gia tăng của các công dân hiểu biết hơn. Những thay đổi toàn cầu này giải thích cho sự cần thiết xem lại vai trò của nhà nước và dịch vụ công trong việc phát triển con người bền vững.
Cùng lúc đó, nhiều quốc gia có một lượng lớn dân số sống dưới mức nghèo khổ cùng cực, với các nhu cầu cơ bản không được đáp ứng và số lượng người thất nghiệp hay bán thất nghiệp (under-employed) gia tăng nhanh chóng. Nhiều quốc gia trải qua xung đột, không thể đảm bảo những quyền cơ bản của con người, và phải chứng kiến các trật tự và các quy định pháp luật bị phá vỡ. Dưới những khó khăn riêng như vậy, nhân viên chính phủ ở các quốc gia đang phát triển hoặc đang chuyển dịch được đòi hỏi phải hoàn thành những nghiệp vụ bất khả thi – giải quyết xung đột, tái thiết quốc gia, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các xã hội thịnh vượng – dưới sự hạn chế cực kỳ của nguồn lực. Khi các nhu cầu cơ bản không thể được đáp ứng, thì bàn về tính chuyên nghiệp và đạo đức của dịch vụ công dường như là một điều xa xỉ.
Quan sát các vấn đề này và nhìn thấy cái giá để phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên, Liên hợp quốc đã cố gắng hướng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vào mối liên kết quan trọng giữa việc cung cấp dịch vụ công và vấn đề phát triển. Với quan điểm coi việc trợ giúp các nước thành viên theo đề nghị của họ là một nhiệm vụ, để tăng cường năng lực quản trị và điều hành của các quốc gia, Liên hợp quốc đã chủ động thúc đẩy tính chuyên nghiệp và đạo đức trong lĩnh vực dịch vụ công. Đặc biệt, Cơ quan về các vấn đề kinh tế và xã hội, Phòng Kinh tế và quản trị công thuộc Liên hợp quốc đã tổ chức một loạt các hội thảo quốc gia và khu vực về các chủ đề này. Ấn phấm hiện hành mang tên Tính Chuyên nghiệp và Đạo đức trong Dịch vụ Công 2 nêu khái quát các vấn đề được thảo luận, các báo cáo về thực tiễn và các kết luận rút ra từ ba trong số các hội thảo trên.
Ở cấp khu vực, vào năm 1997, Phòng Kinh tế và quản trị công đồng tổ chức một hội thảo khu vực với chủ đề Dịch vụ công trong giai đoạn chuyển dịch: Thúc đẩy vai trò, tính chuyên nghiệp và các giá trị và tiêu chuẩn đạo đức. Các bộ trưởng và chuyên viên cao cấp từ 21 quốc gia ở Trung và Đông Âu đã họp mặt ở Thessaloniki, Hy Lạp để thảo luận về vai trò của dịch vụ công trong quá trình biến đổi sâu rộng của xã hội, kinh tế và chính trị mà các quốc gia trong khu vực đang trải qua. Khi các quốc gia này tiến hành cải cách từ một nhà nước độc đảng sang đa đảng và từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế định hướng thị trường, nhà nước có thêm những vai trò mới và loại bỏ các vai trò cũ, với những ám chỉ về “nền dịch vụ công chuyển dịch”. Năm 1998, Phòng Kinh tế và quản trị công cũng tham gia tổ chức Hội nghị Toàn Châu Phi lần thứ 2 của các Bộ trưởng Dịch vụ dân sự về vấn đề dịch vụ dân sự ở Châu Phi: Thách thức mới, Tính chuyên nghiệp, và Đạo đức. Hội nghị diễn ra ở Rabat, Morocco thu hút sự tham dự của các bộ trưởng và chuyên gia từ 35 nước Châu Phi. Các đại biểu đã thảo luận về việc làm thế nào để tái định vị dịch vụ công của đất nước họ trong làn sóng suy thoái của kinh tế toàn cầu và các chính sách điều chỉnh cấu trúc. Hội nghị cũng thảo luận về vai trò cốt yếu của “nền dịch vụ công điều chỉnh” trong quá trình phục hồi kinh tế khu vực, thông qua việc tạo ra một môi trường có khả năng tạo ra của cải và đảm bảo phân phối công bằng.
Ở cấp độ quốc gia, Phòng Kinh tế và quản trị công đồng tổ chức một hội thảo chuyên đề ở Brazil về chủ đề Thúc đẩy vấn đề đạo đức trong lĩnh vực dịch vụ công vào năm 1997. Ở Brasilia, 300 chuyên viên cao cấp của các bang và liên bang cũng như đại điện của cộng đồng doanh nghiệp, truyền thông và các hiệp hội nghề nghiệp đã thảo luận cách thức hiện đại hoá dịch vụ công cho phù hợp với những cải cách theo chủ nghĩa “quản trị chuyên nghiệp” (“managerialist”) đã được áp dụng trong quản trị công ở Brazil. Tập trung chủ yếu vào mô hình đối với người nộp thuế, các đại biểu tham gia đã trao đổi về “dịch vụ công và chủ nghĩa quản trị chuyên nghiệp”. Sự chuyển dịch từ nền hành chính dựa trên nguyên tắc sang nền hành chính hướng đến kết quả này là ngụ ý cho tính chuyên nghiệp và đạo đức trong lĩnh vực dịch vụ công. Do dó, cuộc hội thảo đã thu được lợi ích từ các bài trình bày và thảo luận không chỉ liên quan đến Brazil mà còn liên quan đến nhiều quốc gia khác.
Mặc dù những hội thảo này được tổ chức ở nhiều khu vực khác nhau nhưng những người tham gia đều nhất trí về vai trò trung tâm của nhà nước trong việc phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, sự cần thiết dỡ bỏ những yếu tố chính trị ảnh hưởng đến nền hành chính và tính quan trọng của việc đáp ứng các nhu cầu của người dân. Các đại biểu dự họp bày tỏ quan điểm chống lại tham nhũng, kêu gọi ngăn chặn tham nhũng thông qua việc giải quyết các vấn đề gốc rễ như lương thấp và giảm lương. Họ cũng nêu bật nhu cầu và thách thức cụ thể của khu vực, quốc gia của họ nhưng cũng nhanh chóng nhìn ra những lợi ích của việc hợp tác quốc tế. Đối với những trường hợp tương tự nhưng có sự khác biệt mà các nước thành viên phải đối mặt, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục tổ chức cho các nước này thảo luận vấn đề, chia sẻ giải pháp và thúc đẩy hợp tác. Những hành động này hy vọng sẽ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp và đạo đức trong lĩnh vực dịch vụ công.
Liên hợp quốc
Cơ quan các vấn đề kinh tế và xã hội
Phòng Kinh tế và quản trị công
Ghi chú
[1] Chủ nghĩa tư bản băng đảng (crony capitalism) là cụm từ dùng để mô tả các hoạt động kinh tế mà mức độ thành công phụ thuộc vào sự cấu kết giữa doanh nghiệp và quan chức nhà nước để hưởng lợi từ các quy định phát luật, ưu đãi, trợ cấp hay các chính sách của nhà nước
[2] Bán thất nghiệp, under-employed, là tình trạng một lao động không có đủ công việc được trả lương hoặc không được dùng vào công việc sử dụng hết năng lực.

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

10 kiến thức căn bản về hiệp định TPP

Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam và 9 quốc gia khác đang hy vọng sẽ hoàn thành ký kết TPP trong năm 2015. Theo Ezlaw, TPP sẽ là một sự kiện lớn nhất xảy ra với Việt Nam trong 20 năm nay (kể từ thời điểm Việt Nam và Mỹ bình thường quan hệ hóa vào năm 1995). Bạn có biết TPP là gì ? TPP là một hiệp định mang tính bước ngoặt, sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại Việt Nam và Quốc tế. Bạn vẫn muốn biết rõ hơn về TPP ? Sau đây là những điều căn bản nhất mà bạn cần biết về hiệp định này

TPP Việt Nam

TPP, viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản

*Hàn Quốc, Colombia, Costa Rica, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, và nhiều nước khác đang có ý định tham gia vào TPP
*TPP bắt đầu từ một thỏa thuận giữa Singapore, Chile, New Zealand và Brunei vào năm 2009, trước khi Hòa Kỳ quyết định tham gia và dẫn đầu

TPP Việt Nam

Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên

TPP Việt Nam

Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…

tpp ezlaw


Các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu.

TPP Việt Nam

Mỹ muốn TPP sẽ là điểm chốt mới của họ tại Châu Á sau nhiều năm Mỹ đã lún quá sâu vào khu vực Trung Đông. Ngoài ra, nhiều học giả còn cho rằng Mỹ muốn sử dụng TPP để tạo ra một nền kinh tế hợp nhất trong khu vực có thể đối trọng lại với sự phát triển quá nhanh của Trung Quốc. Trung Quốc đã có lúc thể hiện ý định muốn tham gia TPP, nhưng nhiều điều khoản hiện tại của TPP dường như được thiết kế để cố tình không cho Trung Quốc có cơ hội tham gia vào thỏa thuận này.

TPP Việt Nam

WTO hiện có tới 161 thành viên, vì vậy một trong những nhược điểm của mô hình này là sự khó khăn và dài lâu để tiến đến một thỏa thuận chung liên quan đến bất kỳ vấn đề gì.

Hơn thế nữa, TPP sẽ đặt ra được các luật lệ quốc tế mà vượt qua phạm vi WTO như: chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát các công ty nhà nước, chất lượng sản phẩm và lao động….

TPP Việt Nam

Hầu hết các thỏa thuận quốc tế là về xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, ví dụ như: Ta có thể nhập khẩu số lượng X hàng hóa với giá Y khi các mặt hàng này đã đủ tiêu chuẩn về chất lượng hoặc lao động. TPP khác vậy. Chính bản thân TPP sẽ tạo ra các điều luật quốc tế có khả năng điểu chỉnh chính sách và hướng đi của luật pháp trong từng quốc gia thành viên.  Nói một cách khác, các điều luật của các quốc gia thành viên sẽ phải tuân theo định hướng của TPP.

Nhiều điều luật trong TPP còn có ảnh hưởng thay đổi chế độ pháp lý của các quốc gia. Ví dụ như điều luật khuyến khích các thành viên của TPP mở một cơ quan chính phủ, có cơ chế và cách thức hoạt động giống tại Mỹ, thực hiện phân tích ưu-nhược điểm trước khi ban hành các điều luật mới trong nước.
TPP Việt Nam
Thỏa thuận TPP bao gồm 29 chương, trong đó chỉ có 5 chương là trực tiếp liên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa, dịch vụ, các chương còn lại đề cập nhiều vấn đề liên quan đến các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác nhau về môi trường, chất lượng lao động, luật lệ tài chính, thực phẩm và thuốc men… 
*Chú ý rằng TPP sẽ bắt loại bỏ nhiều lợi ích của các công ty nhà nước (là một phần lớn của nền kinh tế Việt Nam), để tạo cơ hội cạnh tranh cho các công ty tư nhân. 
TPP Việt Nam
Với hiệp định TPP, các công ty, tập đoàn nước ngoài và quốc tế sẽ có khả năng mang chính phủ của các quốc gia thành viên ra tòa án đặc biệt của TPP khi các quốc gia này đặt ra các luật lệ, chính sách đi ngược lại với chỉ tiêu của TPP. Tòa án đặc biệt này có toàn quyền bắt chính phủ đền bù không những cho các thiệt hại đã xảy ra, mà còn những mất mát về cơ hội trong tương lai của các tập đoàn, công ty quốc tế. 
TPP Việt Nam
Các thành viên tham gia TPP đều đã phải ký một thỏa thuận giữ bí mật về tiến trình thương lượng chi tiết các điều luật của TPP. Các nước này chỉ được tiết lộ những thông tin trên đến các cơ quan chính phủ, tổ chức, và cá nhân có liên quan trực tiếp đến tư vấn chính sách giao dịch. 
*Hiện tại, một số chương của TPP có thể tìm thấy tại wikileaks - kênh chuyên đăng các thông tin tuyệt mật. 
Theo Ezlaw, mọi người dân Việt Nam, đặc biệt nhất là các nhà trí thức, luật sư, doanh nghiệp, khởi nghiệp... cần phải biết rõ và nhiều hơn về TPP - sự kiện lớn sắp xảy ra với Việt Nam và thế giới. Hãy đón xem các bài phân tích sâu hơn về TPP tại Ezlaw Blog.