Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Chuyên nghiệp và đạo đức trong dịch vụ công: Vấn đề và thực tiễn ở một số vùng cụ thể


Tóm tắt
Các vụ xì-căng-đan liên quan đến các nhân viên chính phủ hiện đang thu hút sự chú ý của thế giới trong những ngàyqua. Bất ngờ chứng kiến các thương vụ tư nhân mờ ám, các khoản viện trợ lệch hướng, các khoản bảo trợ lĩnh vực công trải rộng, chủ nghĩa tư bản băng đảng (1) (crony capitalism), lạm dụng việc tài trợ cho các cuộc vận động, dư luận hiện đang tranh cãi công khai về tham nhũng và sự thiếu chuyên nghiệp trong các chính phủ. Liệu nhân viên chính phủ có đòi hỏi phải có tiêu chuẩn trong làm việc và cư xử cao hơn những người khác hay không? Nếu có, thì tại sao? Cùng với sự ra đời của nhà nước hiện đại, nhân viên chính phủ được coi là những người quản lý nguồn lực công cộng và là người canh giữ niềm tin đặc biệt mà người dân đã đặt vào họ. Đáp trả sự tin tưởng này, người ta tin rằng nhân viên chính phủ sẽ đặt lợi ích công lên trên lợi ích tư.
Dịch vụ công, được cung cấp bởi nhân viên chính phủ – những người chịu sự điều chỉnh bởi các quy định cấp trung ương và địa phương về dịch vụ công, là một phần không thể thiếu của quá trình phát triển bền vững và năng lực điều hành quốc gia tốt. Đây cũng là một bộ phận không thể tách rời của nền dân chủ, bởi vì nó hoạt động trên cơ chế quản trị trung lập nhằm thực thi các quyết định của nhóm đại diện của người dân. Dịch vụ công không chỉ đóng vai trò trụ cột trong việc giúp chính phủ thực hiện các chiến lược tăng trưởng kinh tế của quốc gia mà còn triển khai các chương trình có chức năng đảm bảo an toàn cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Với những vai trò cốt yếu như vậy, một quốc gia luôn mong muốn dịch vụ công của mình thể hiện được các tiêu chuẩn cao về sự chuyên nghiệp và tính đạo đức.
Sự chuyên nghiệp trong dịch vụ công thể hiện giá trị bao quát toàn bộ, quyết định cách thức các hoạt động sẽ được tiến hành. Nó chứa đựng tất cả các giá trị khác điều chỉnh dịch vụ công như sự trung thành, tính trung lập, minh bạch, sự tận tụy, chuẩn mực về thời gian, hiệu quả, công bằng và các giá trị cụ thể khác đối với từng quốc gia. Tính đạo đức trong dịch vụ công bao gồm một loạt các tiêu chuẩn rộng mô tả cách thức người cung cấp dịch vụ công nên cư xử khi đánh giá và ra quyết định trong lúc thi hành nhiệm vụ của họ. Những giá trị và tiêu chuẩn này được củng cố hơn nếu có một hệ thống các chính sách quản lý, thủ tục điều hành, và cơ quan giám sát để đưa ra các ưu đãi hoặc hình phạt nhằm khuyến khích nhân viên chính phủ thực thi nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp và đạt tiêu chuẩn cao.
Tuy nhiên, nhân viên chính phủ tại các quốc gia đang phát triển hoặc đang trong giai đoạn chuyển dịch vừa phải đối mặt với các thách thức toàn cầu của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, vừa phải thực thi nhiệm vụ dưới những khó khăn riêng. Thế giới có lẽ không còn bị đe doạ bởi chiến tranh lạnh, nhưng thay vào đó, lại đang phải đối mặt với xung đột sắc tộc leo thang, sự dân chủ hoá rộng khắp và những hệ luỵ gia tăng, một sự cân bằng đang dịch chuyển giữa các lực lượng xã hội dân sự/thị trường/nhà nước, toàn cầu hoá kinh tế, và những đòi hỏi ngày càng gia tăng của các công dân hiểu biết hơn. Những thay đổi toàn cầu này giải thích cho sự cần thiết xem lại vai trò của nhà nước và dịch vụ công trong việc phát triển con người bền vững.
Cùng lúc đó, nhiều quốc gia có một lượng lớn dân số sống dưới mức nghèo khổ cùng cực, với các nhu cầu cơ bản không được đáp ứng và số lượng người thất nghiệp hay bán thất nghiệp (under-employed) gia tăng nhanh chóng. Nhiều quốc gia trải qua xung đột, không thể đảm bảo những quyền cơ bản của con người, và phải chứng kiến các trật tự và các quy định pháp luật bị phá vỡ. Dưới những khó khăn riêng như vậy, nhân viên chính phủ ở các quốc gia đang phát triển hoặc đang chuyển dịch được đòi hỏi phải hoàn thành những nghiệp vụ bất khả thi – giải quyết xung đột, tái thiết quốc gia, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các xã hội thịnh vượng – dưới sự hạn chế cực kỳ của nguồn lực. Khi các nhu cầu cơ bản không thể được đáp ứng, thì bàn về tính chuyên nghiệp và đạo đức của dịch vụ công dường như là một điều xa xỉ.
Quan sát các vấn đề này và nhìn thấy cái giá để phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên, Liên hợp quốc đã cố gắng hướng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vào mối liên kết quan trọng giữa việc cung cấp dịch vụ công và vấn đề phát triển. Với quan điểm coi việc trợ giúp các nước thành viên theo đề nghị của họ là một nhiệm vụ, để tăng cường năng lực quản trị và điều hành của các quốc gia, Liên hợp quốc đã chủ động thúc đẩy tính chuyên nghiệp và đạo đức trong lĩnh vực dịch vụ công. Đặc biệt, Cơ quan về các vấn đề kinh tế và xã hội, Phòng Kinh tế và quản trị công thuộc Liên hợp quốc đã tổ chức một loạt các hội thảo quốc gia và khu vực về các chủ đề này. Ấn phấm hiện hành mang tên Tính Chuyên nghiệp và Đạo đức trong Dịch vụ Công 2 nêu khái quát các vấn đề được thảo luận, các báo cáo về thực tiễn và các kết luận rút ra từ ba trong số các hội thảo trên.
Ở cấp khu vực, vào năm 1997, Phòng Kinh tế và quản trị công đồng tổ chức một hội thảo khu vực với chủ đề Dịch vụ công trong giai đoạn chuyển dịch: Thúc đẩy vai trò, tính chuyên nghiệp và các giá trị và tiêu chuẩn đạo đức. Các bộ trưởng và chuyên viên cao cấp từ 21 quốc gia ở Trung và Đông Âu đã họp mặt ở Thessaloniki, Hy Lạp để thảo luận về vai trò của dịch vụ công trong quá trình biến đổi sâu rộng của xã hội, kinh tế và chính trị mà các quốc gia trong khu vực đang trải qua. Khi các quốc gia này tiến hành cải cách từ một nhà nước độc đảng sang đa đảng và từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế định hướng thị trường, nhà nước có thêm những vai trò mới và loại bỏ các vai trò cũ, với những ám chỉ về “nền dịch vụ công chuyển dịch”. Năm 1998, Phòng Kinh tế và quản trị công cũng tham gia tổ chức Hội nghị Toàn Châu Phi lần thứ 2 của các Bộ trưởng Dịch vụ dân sự về vấn đề dịch vụ dân sự ở Châu Phi: Thách thức mới, Tính chuyên nghiệp, và Đạo đức. Hội nghị diễn ra ở Rabat, Morocco thu hút sự tham dự của các bộ trưởng và chuyên gia từ 35 nước Châu Phi. Các đại biểu đã thảo luận về việc làm thế nào để tái định vị dịch vụ công của đất nước họ trong làn sóng suy thoái của kinh tế toàn cầu và các chính sách điều chỉnh cấu trúc. Hội nghị cũng thảo luận về vai trò cốt yếu của “nền dịch vụ công điều chỉnh” trong quá trình phục hồi kinh tế khu vực, thông qua việc tạo ra một môi trường có khả năng tạo ra của cải và đảm bảo phân phối công bằng.
Ở cấp độ quốc gia, Phòng Kinh tế và quản trị công đồng tổ chức một hội thảo chuyên đề ở Brazil về chủ đề Thúc đẩy vấn đề đạo đức trong lĩnh vực dịch vụ công vào năm 1997. Ở Brasilia, 300 chuyên viên cao cấp của các bang và liên bang cũng như đại điện của cộng đồng doanh nghiệp, truyền thông và các hiệp hội nghề nghiệp đã thảo luận cách thức hiện đại hoá dịch vụ công cho phù hợp với những cải cách theo chủ nghĩa “quản trị chuyên nghiệp” (“managerialist”) đã được áp dụng trong quản trị công ở Brazil. Tập trung chủ yếu vào mô hình đối với người nộp thuế, các đại biểu tham gia đã trao đổi về “dịch vụ công và chủ nghĩa quản trị chuyên nghiệp”. Sự chuyển dịch từ nền hành chính dựa trên nguyên tắc sang nền hành chính hướng đến kết quả này là ngụ ý cho tính chuyên nghiệp và đạo đức trong lĩnh vực dịch vụ công. Do dó, cuộc hội thảo đã thu được lợi ích từ các bài trình bày và thảo luận không chỉ liên quan đến Brazil mà còn liên quan đến nhiều quốc gia khác.
Mặc dù những hội thảo này được tổ chức ở nhiều khu vực khác nhau nhưng những người tham gia đều nhất trí về vai trò trung tâm của nhà nước trong việc phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, sự cần thiết dỡ bỏ những yếu tố chính trị ảnh hưởng đến nền hành chính và tính quan trọng của việc đáp ứng các nhu cầu của người dân. Các đại biểu dự họp bày tỏ quan điểm chống lại tham nhũng, kêu gọi ngăn chặn tham nhũng thông qua việc giải quyết các vấn đề gốc rễ như lương thấp và giảm lương. Họ cũng nêu bật nhu cầu và thách thức cụ thể của khu vực, quốc gia của họ nhưng cũng nhanh chóng nhìn ra những lợi ích của việc hợp tác quốc tế. Đối với những trường hợp tương tự nhưng có sự khác biệt mà các nước thành viên phải đối mặt, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục tổ chức cho các nước này thảo luận vấn đề, chia sẻ giải pháp và thúc đẩy hợp tác. Những hành động này hy vọng sẽ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp và đạo đức trong lĩnh vực dịch vụ công.
Liên hợp quốc
Cơ quan các vấn đề kinh tế và xã hội
Phòng Kinh tế và quản trị công
Ghi chú
[1] Chủ nghĩa tư bản băng đảng (crony capitalism) là cụm từ dùng để mô tả các hoạt động kinh tế mà mức độ thành công phụ thuộc vào sự cấu kết giữa doanh nghiệp và quan chức nhà nước để hưởng lợi từ các quy định phát luật, ưu đãi, trợ cấp hay các chính sách của nhà nước
[2] Bán thất nghiệp, under-employed, là tình trạng một lao động không có đủ công việc được trả lương hoặc không được dùng vào công việc sử dụng hết năng lực.