Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Vẫn chưa chịu chết …

 Hãy để chúng chết đi....
30 July 2012
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa
Chúng ta có thể thường thỏa mãn mọi đòi hỏi về công lý khi ngồi im và không làm gì cả. Adam Smith (We may often fulfill all the rules of justice by sitting still and doing nothing).
Năm 1976, New York ngập chìm trong công nợ vì chánh phủ thành phố liên tục tiêu xài cho những chương trình gọi là “xã hội” và cho “phe nhóm”. Ngân sách gia tăng cùng hệ thống quan chức và sưu cao thuế nặng khiến các doanh gia bỏ chạy khỏi New York. Đối diện với thảm họa phá sản, thành phố kêu gọi chánh phủ liên bang cứu trợ khẩn cấp. Tổng thống Ford trả lời với một câu nói đi vào lịch sử, “Drop Dead” (Hãy chết đi). Hơn 90% dân Mỹ hoan nghênh quyết định sáng suốt này.
Các giải pháp cho kinh tế Việt
Chưa bao giờ tôi thấy các chuyên gia Việt Nam hăng hái và bận rộn như lúc này. Ngày nào cũng có vài ba giải pháp trên các báo cho đủ mọi vấn đề kinh tế. Và chưa bao giờ các thành phần kinh tế lại khóc than ỉ ôi như thế này. Ai cũng xin chánh phủ cứu giúp với OPM (tiền người khác) và tốt nhất là “cho luôn” thì khỏi phải hạch toán lôi thôi.
 Về nợ xấu ngân hàng, nhà nước đề nghị một công ty mua bán nợ xấu 100 ngàn tỷ, nhưng vài ông viện nghiên cứu nói 30 tỷ là đủ rồi. Một chuyên gia có giấy phép thì cho rằng 200 ngàn tỷ là tối thiểu ; trong khi vài ông không có giấy phép thì đòi 600 ngàn tỷ. Suy ngẫm lại, không ai biết nợ xấu nó tròn méo thế nào, số tiền thực sự là bao nhiêu, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ bao nhiêu, các thanh tra có kiểm soát được con số này từ những ngân hàng quốc doanh, bao nhiêu phần trăm nợ xấu là cho các công ty con hay cháu của các chủ ngân hàng vay mượn ? Còn chuyện mua nợ xấu để bán cho ai, với giá nào, thu tiền ra sao, ai được ưu tiên…thì cũng có vài chục giải pháp đề nghị.
Qua đến việc giải cứu các doanh nghiệp, nhất là trong lãnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, các chuyên gia còn năng động hơn vì chuyện nhà cửa thì ngay cả các bác xe ôm cũng là “sư tổ”. Dễ hiểu nhất là lấy tiền chánh phủ (OPM) mua nhà tặng cho người nghèo (phải có phong bì và xe Lexus); rồi gay cấn hơn là hạ lãi suất xuống còn 5% hay 8% hay 10%? Gói kích cầu 29 ngàn tỷ coi như “cuốn theo chiều gió” vì xứ này người có thu nhập thật sự chẳng ai đóng thuế cả. Còn chuyện giãn hay khoanh nợ theo nghị quyết thì các ngân hàng đã âm thầm làm cả chục năm nay, không ai thắc mắc. Rồi chuyện mua “hàng tồn kho”? Người tình tôi đang đòi một bộ áo lót “Victoria’s Secret” cho mùa hè. Liệu chánh phủ có mua đủ hàng? Tình trạng hiện tại đã chứng minh cho các giải pháp này..
Các bác lãnh đạo kinh tế còn dọa tung ra giải pháp là gia tăng tiêu xài và đầu tư công. Ngân sách của chánh phủ Việt Nam (34% của GDP) đã cao hơn hẳn Thái Lan (18%) và Singapore (19%) tạo một gánh nặng khủng cho các doanh nghiệp tư nhân. Công thêm với đầu tư, chi tiêu và lỗ lã của những doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế bắt buộc phải èo uột vì thân hình chỉ nặng có 34 kg mà lại phải vác một ba lô nặng 66 kg. Chả trách ngày nào dân cũng đi uống bia để phục hồi sinh lực, mai còn vác tiếp. Một xã có 2 ngàn hộ dân mà phải nuôi 500 quan chức; bây giờ nuôi thêm 100 ông thì chắc cạp đất mà ăn? Xây thêm vài chục ngàn cây số đường cao tốc thì GDP sẽ tăng trưởng ngay, nhưng chất lượng chỉ tốt cho các cỗ xe bò thì coi như vất tiền cho các ngân hàng ngoại quốc.
Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng
Tuần vừa rồi, tôi ghé nhà một người bạn ăn tối. Vợ chồng hắn có 2 đứa song sinh 2 tuổi và 1 đứa 4 tuổi. Khi vừa nhập tiệc thì 3 đứa tranh nhau đồ chơi và đồ ăn, cãi nhau ỏm tỏi và la khóc lớn hơn cả các diễn viên trong một phim tình bi đát của Việt Nam. Hai vợ chồng thử mọi giải pháp, từ các gói cứu trợ đến các dọa dẫm trừng phạt. Sau 20 phút, bọn hắn thua cuộc và không ai ăn uống gì được. Tôi đề nghị một giải pháp đơn giản: 5 người lớn sẽ ra tiệm ăn và để lại căn nhà cho 3 đứa bé và 2 bà ô sin. 15 phút sau, từ quán ăn, ông chồng gọi điện thoại về, bà ô sin xác nhận là lũ trẻ đã vui vẻ chơi đùa và ăn uống trong hòa thuận.
Thực ra, các thành phần kinh tế của mọi quốc gia cũng giống như lũ trẻ. Họ thích tạo những quấy phá ôn ào để nhận những ban phát “miễn phí” từ các nguồn lực tài chánh hay hành chánh. Khi họ biết chắc chắn rằng những ân huệ này sẽ không đến, họ sẽ phải chịu đựng và tìm giải pháp khác, sáng tạo từ trí óc, con tim và ý chí.
Trở lại câu chuyện New York, mọi thành phần có lợi ích nơi đây cũng kêu la và nguyền rủa chánh phủ liên bang vài tháng sau quyết định của Ford. Nhưng họ đã làm những gì phải làm: cân bằng ngân sách, cởi bỏ thủ tục rườm rà, năng động trong việc khuyến khích các doanh nhân, kêu gọi đầu tư… Năm năm sau, tình thế ổn định. Với một tư duy quản trị sáng tạo mới mẻ, chánh phủ và người dân đã đạt những thành tích ấn tượng đem New York về lại vị trí hàng đầu của Mỹ.
Giải pháp của Alan
Cho nên, nếu các bác hỏi tôi về nợ xấu, tôi sẽ nói “Hãy Để Chúng Chết Đi”. Ngân hàng nhà nước chỉ cần bảo đảm khoảng 100 triệu đồng tối đa cho mỗi người gởi tiền, và chúng ta có thể chấp nhận sự sụp đổ của vài chục ngân hàng không hề hấn gì.
Hỏi về các doanh nghiệp bất động sản, tôi sẽ nói “Hãy Để Chúng Chết Đi”. Các căn hộ và các lô đất sẽ bị hạ giá rẻ mạt, tạo một cơ hội tuyệt vời cho nhũng người dân có thu nhập trung bình.
Hỏi về các doanh nghiệp nhà nước, tôi sẽ nói “Hãy Để Chúng Chết Đi”. Dòng tiền OPM đã cạn kiệt. Các anh chị nào có lãi thì cứ tiếp tục. Còn lỗ lã thì tôi bán ngay cho các nhà đầu tư, nội hay ngoại. Trên hết, mọi đặc lợi đặc quyền sẽ chấm dứt. Chỉ khi đối diện thực sự với cạnh tranh thị trường, chúng ta mới biết ban quản trị nào có trí tuệ và đởm lực để sinh tồn.
Hòi về các đơn vị hành chánh cần thêm tiền để đốt, tôi sẽ nói ““Hãy Để Chúng Chết Đi”. Thay vì ăn nhậu sáng trưa chiều tối bằng OPM, chúng tôi sẽ dậy các bạn một kỹ năng quan trọng mà các bạn không hề biết. Đó là làm việc và phục vụ.
Sự hủy diệt trong sáng tạo
Nhiều thân hữu sẽ hỏi tôi là ông không lo ngại gì về những xáo trộn xã hội và nạn thất nghiệp khi các công ty thi nhau lăn ra chết? Tôi xin thưa rằng KHÔNG. Bởi vì 2 lý do. Thứ nhất là số tài sản nhàn rỗi trong dân được ước tính là khoảng 50 tỷ đô la bởi các nguồn dữ liệu đáng tin cậy. Số vàng và đô la này đang bị rút giấu vì dân không tin tưởng vào tương lai kinh tế OPM với lối điều hành dựa trên “quan hệ và xin cho”. Khi họ nhận ra là chánh phủ không can thiệp vô ích vào cách kiếm tiền của một thị trường tự do, dòng tiền này sẽ chảy vào nền kinh tế tạo một cú hích ngoạn mục. Các Việt kiều và các nhà đầu tư nước ngoài cũng sè có khả năng bơm thêm 20 tỷ đô la, dư đủ để kích thích nền kinh tế xứ này.
Lý do thứ hai là tôi tin vào tài năng và sự bền bỉ của doanh nhân Việt. Chỉ trong vòng 5 năm khi đến Mỹ, phần lớn những người dân thất học và không vốn đã gây dựng cho mình và con cái những tài sản đáng kể. Hiện nay, 3 triệu Việt Kiều tại Mỹ tạo ra một GDP ngang hàng với 90 triệu dân Việt Nam trong nước, dù họ không có dầu khí, khoáng sản hay đất đai để bán. Một triệu Việt Kiều khác ở Âu Châu, Úc và toàn thế giới củng đã có những thành công tương tự.
Một giải pháp thật đơn giản mà tôi đề nghị lên các bác lãnh đạo kinh tế là “đừng làm gì cả”.  Hãy tin dân và giao quyền lại cho các doanh nghiệp tư nhân tự ứng xử. Trong sáng tạo và hồi sinh sẽ có mồ hôi và nước mắt. Trong quá trình trưởng thành, các em thường phải chịu nhiều gian truân đau đớn. Vài em sẽ không qua khỏi. Nhưng đây là định luật của thiên nhiên.
Cùng nhau đi nghỉ hè
Nắng mùa hè vẫn đang rực rỡ, cùng trò chơi Olympic đang tưng bừng bên Luân Đôn. Tại sao các bác không nhân cơ hội này mà đem vợ con du ngoạn nhỉ? Bác nào không thích thể thao thì qua Hawaii tắm ở Black Sand Beach (cát đen tuyền và mịn). Bác nào ghét Mỹ thì có thành phố San Á hay Macau của Trung Quốc. Các bác sẽ vui vẻ thỏai mái và khi về lại quê hương sau kỳ nghỉ, các bác sẽ thấy bọn trẻ không còn mè nheo la ó nữa. Đời chẳng đẹp lắm sao?
T/S Alan Phan
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

 Vẫn chưa chịu chết …
T/S Alan Phan
27 Oct 2012
“Những gì không thể đứng thẳng, những gì đang bị đe dọa, những gì đang rung chuyển theo từng cơn gió…rồi sẽ gẫy đổ theo thời gian. Nhưng bình minh sẽ theo sau bóng tối. Sự tái sinh không thể xẩy đến trước cái chết…” Robert M. Price

 

Nếu trong 6 tháng tới, giá BDS xuống thêm 25 đến 30% thì chúng ta có thể coi như là bong bóng đã vỡ. Hệ quả là sự tiếp tục xuyên đáy thêm khoảng 30% kéo dài ít nhất là 2 năm. Dĩ nhiên tôi chỉ muốn nói đến phân khúc chung cư trung bình và cao cấp tại Hà Nội và HCM. Các loại BDS khác như biệt thự, đất nền, nhà phố, căn hộ rẻ, vùng ven đô, thương mại, văn phòng …sẽ bị ảnh hưởng lây, nhưng cường độ và thời điểm có thể thay đổi ít nhiều.
Và khi nói đến bong bong vỡ…nhiều người hình dung ngay đến những hoang tàn thường thấy sau những trận ném bom thời chiến… Thực tại không bi kịch như vậy đâu. Thậm chí, phần lớn người dân có thể không quan tâm và ăn nhậu bình thường theo đúng phong cách “makeno” của xã hội.
Tại sao bong bóng phải vỡ mà không xì hơi?
Bởi vì muốn tiếp tục bơm, chúng ta cần hơi. Những thành phần muốn giữ cho bong bóng căng tròn như chánh phủ, ngân hàng, công ty BDS, nhà đầu cơ thứ cấp…đều đã hết hơi. Việc in tiền xả láng để bơm hơi cũng không còn khả thi vì hậu quả của lạm phát. Không quan chức nào dám để dân phải mang bao bố tiền đi mua 1 ổ bánh mì. Tất cả lực đỡ của BDS bây giờ chỉ còn một giải pháp là 50 tỷ USD vàng và ngoại tệ trong dân sẽ được đem ra quăng vào BDS, cách này hay cách khác. Dù các quan chức hồ hởi chuyện huy động được 60 tấn vàng trong dân mấy tháng vừa qua, tôi cá rằng chánh phủ hay các công ty BDS sẽ không moi móc thêm một đồng nào. Dân trí có thấp đến đâu, đồng tiền vẫn sẽ liền với khúc ruột, kể cả ruột ngàn dặm.
Các thành phần nào trong dân sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất?
Khi bong bóng BDS vỡ, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng gấp 3 lần và có lẽ hơn 50% các ngân hàng tư nhân sẽ phá sản. Đây chỉ là một ước tính có nhiều xác suất sai lạc, vì hiện nay, các thống kê về tài chánh công tư của Việt Nam khá mù mờ và mâu thuẫn. Dân gởi tiền được bảo hiểm đến 50 triệu đồng, do đó phần lớn tài khoản sẽ an toàn. Số ngân hàng còn sống sót sẽ được sự hổ trợ đặc biệt của NHNN nên thanh khoản cũng sẽ khá cao. Vì 70% dư nợ của ngân hàng hiện nay là do các tập đoàn tổng công ty nhà nước vay, nên ảnh hưởng trực tiếp sẽ không gây xáo trộn gì trong vận hành kinh tế vĩ mô (vẫn trì trệ).
Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp sẽ đầy dẫy. GDP có thể quay về zero tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao gấp đôi, sức tiêu thụ của người tiêu dùng co cạn và lạm phát có thể tăng quá 2 con số (tùy theo mức độ in tiền).
Khi bong bong vỡ, thành phần giàu có (khoảng 5% dân số) sở hữu nhiều tài sản từ BDS, chứng khoán, vốn riêng của doanh nghiệp và các đầu tư khác sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Tuy vậy, một số nhỏ đại gia dùng đòn bẫy vay mượn cao ngất, có thể lợi dụng tình thế mà xù nợ hợp pháp.
Thành phần trung lưu, công tư chức và mua bán nhỏ (khoảng 20% dân số) cũng sẽ đối diện với thất nghiệp, sức tiêu thụ giảm và lạm phát cao, nhưng có thể thắt lưng buộc bụng và vượt bão an toàn.
Thành phần còn lại (75% dân số) sẽ khổ sở chịu đựng thêm một thời gian dài với mức sống khá cơ cực so với các nước láng giềng. Tuy nhiên, họ không có nhiều tài sản để bị tổn hại hay mất mát. Gặp khó khăn ở các thành phố và khu công nghịệp, họ sẽ rút về quê cũ sống qua ngày, đợi chờ cơ hội khác.
Thành phần hưởng lợi trong 2013 là những người dân có tiền mặt, dễ dàng thu mua tài sản với giá cực rẻ. Những hiện tượng tích cực khác gồm việc bớt giao thông (ít kẹt xe thì ít bị ô nhiễm hơn), bớt ăn nhậu (ít bệnh và ít tệ nạn xã hội hơn), bớt tham nhũng (ít dự án và ít nhu cầu giấy tờ)…
Bài toán căn bản hiện nay
Theo thống kê mới nhất của NHNN, tổng dư nợ của tất cả ngân hàng thương mại (quốc doanh và tư nhân) là 2.89 triệu tỷ đồng (140 tỷ USD) vào cuối tháng 10. Nếu chi phí đồng tiền (cost of money) là 15% mỗi năm, lãi suất cho số nợ trên là 21 tỷ USD mỗi năm, không tính nợ gốc. Nếu 70% doanh nghiệp toàn quốc vay nợ và chỉ sản xuất ra 77 tỷ USD mỗi năm (dựa trên 70% của GDP năm 2011), thì mỗi USD kiếm được, họ phải chi ra 29 xu (hay 29% doanh thu) để trả lãi suất. Trừ việc mua bán ma túy hay buôn gái, không một ngành nghề kinh doanh nào có thể sinh lợi để giải quyết bài toán này. Không xóa bỏ hết để lập bàn cờ mới, nền kinh tế Việt Nam, bất kể định hướng nào, sẽ loay hoay với vấn nạn này trong cả chục năm tới.
Nhìn lại lịch sử kinh tế của nhân loại, chuyện bong bong tài sản căng nóng rồi vỡ tan là một hiện tượng khá binh thường, qua mọi thời đại với mọi sắc dân trong mọi định chế. Biện luận Viêt nam là một ngoại lệ, cần giải pháp đặc thù hay có một kết cục tốt đẹp không thuyết phục lắm. Ngay cả quyết tâm của các chánh quyền cố gắng ngăn cản sự đổ vỡ cũng thường xẩy ra, thường làm chậm tiến trình, nhưng sau cùng cũng vô hiệu. Ai cũng biết là ung nhọt phải vỡ để da thịt mau lành. Sau một trận lửa lớn, cây cối trong khu rừng thường xanh tốt hơn.
Chấp nhận định luật của thiên nhiên, trả giá cho những sai phạm trong quá khứ và tiếp tục hành trình của đổi mới và sáng tạo. Hãy dành thì giờ lên kế hoạch cho một tương lai mới theo những tiền đề và thay đổi của tình thế. Đừng loay hoay với những điều chỉnh nửa vời, qua những thỏa hiệp với nhiều phe nhóm lợi ích và lợi dụng.
Tệ nhất là lấy tiền của 95% nhân dân đi cứu trợ cho 5% dân giàu có.
Phải dứt khoát là “hãy để chúng chết đi”.
Alan Phan
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét