Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Đi tìm Triết lý Phát triển cho Việt Nam (trích)



 

Thế mạnh cốt lõi và những điểm yếu dễ tổn thương của dân tộc 
Do đặc thù của lịch sử, yếu tố địa lý, và nhân chủng học, mỗi dân tộc trong quá trình phát triển của mình đều hình thành nên những thế mạnh cốt lõi và những điểm yếu dễ tổn thương.
Thế mạnh cốt lõi của một dân tộc có ba đặc trưng chính (8): thứ nhất, nó giúp tạo nên giá trị; thứ hai, nó có thể áp dụng trong khắp mọi ngành nghề; và thứ ba, người dân coi nó như một thuộc tính tự nhiên và cảm thấy phấn khích khi nó được khơi dậy và phát huy. 
Những điểm yếu dễ tổn thương của một dân tộc thể hiện ở ba điểm: thứ nhất, nó gây tổn thất cho sức phát triển của dân tộc; thứ hai, nó rất dễ trỗi dậy và bùng phát khi có cơ chế thuận lợi; và thứ ba, người dân coi nó như một thuộc tính tự nhiên và có thể mất đi cảm xúc bị dằn vặt khi phải sống chung với nó. 
Một trong những đặc thù quyết định đặc tính người Việt Nam có liên quan lịch sử hàng nghìn năm đan xen giữa những năm tháng chịu nhẫn nhục với sự khôn khéo linh hoạt để tồn tại dưới ách thống trị của ngoại bang và ý chí quật khởi, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giành và giữ độc lập.
Về địa lý, Việt Nam có thế mạnh cốt lõi về vị trí chiến lược và sự đa dạng và khá thuận hòa của khí hậu.
Về đặc tính con người, như đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu, thế mạnh cốt lõi của Việt Nam nổi bật ở lòng yêu nước và tinh thần quật khởi, đặc biệt trong những tình thế sống còn của dân tộc; ở trí thông minh và sự năng động, ở sự coi trọng đặc biệt việc đầu tư vào giáo dục; và ở tính vị tha, chu đáo, và tinh tế.
Các điểm yếu dễ tổn thương của Việt Nam có lẽ cũng nằm ở đặc tính dân tộc. Thứ nhất đó là ở tính thiếu duy lý, dễ ảo tưởng (có lẽ do quá nhiều năm phải mơ tưởng đến ngày thoát khỏi ách đô hộ và thiếu cơ hội trải nghiệm qua những qui luật khắt khe và sòng phẳng của kinh tế thị trường); thứ hai, đó là tính coi thường nguyên tắc, không ngại nói dối hoặc làm sai nguyên tắc để được việc (có lẽ do phải tìm cách tồn tại được dưới sự thống trị và kiểm soát hà khắc quá lâu); và thứ ba, đó là tính dễ thỏa mãn, thích phô trương, hưởng lạc khi có điều kiện.
Thực tế phát triển chỉ ra rằng, một dân tộc có thể làm nên những kỳ tích phi thường khi thế mạnh cốt lõi của họ được khơi dậy và phát huy; song dân tộc đó cũng có thể rơi vào tình trạng trì trệ, sa sút khi những điểm yếu dễ tổn thương của họ có cơ hội bùng phát.
Sự nổi lên đặc sắc của một số công ty trên thị trường chứng khoán vừa qua một phần là nhờ các công ty này đã biết bật lên trên nhờ tựa trên thế mạnh cốt lõi của đất nước. Chẳng hạn như FPT (phần mềm) nhờ vào khai thác trí tuệ người Việt; Minh Phú (Thủy sản) nhờ vào tính chu đáo và tinh tế trong bán hàng và lợi thế địa lý của nước ta trong sản xuất nông sản. Tân Tạo nhờ vào tính linh hoạt trong nắm bắt thời cơ và lợi thế vị trí địa lý.
Theo một cách nhìn về chiến lược kinh doanh, thế mạnh cốt lõi của dân tộc Viêt Nam khi được khơi dậy và phát huy sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho các công ty Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế đặc sắc trong các lĩnh vực dịch vụ y tế, giáo dục, công nghệ thông tin-sinh học, du lịch, vận tải hàng không và đường biển, sản xuất và chế biến thực phẩm.
Thế nhưng, nhiều công ty của Việt Nam, dù đã có ít nhiều thành công, cũng có thể sẽ thất bát, thậm chí suy sụp, nếu họ dung dưỡng trong hệ thống quản lý của mình những điểm yếu dễ tổn thương của người Việt Nam ta, đó là sự ảo tưởng-thiếu thực tế, tính tùy tiện và không ngại nói dối, và cách làm gian dối, tính dễ thỏa mãn, thích phô trương, hưởng lạc.
Mặc dù trong bối cảnh quốc tế rất thuận lợi, sự nghiệp phát triển nước ta hiện nay vẫn còn đang đứng trước những nguy cơ rất lớn có liên quan đến sự sa sút trong nền tảng phát triển. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do cơ chế hiện nay của chúng ta chưa khơi dậy được (nếu không nói là đã làm nhụt đi) thế mạnh cốt lõi của dân tộc; trong khi lại tạo nên môi trường dung dưỡng cho các điểm yếu dễ tổn thương bùng phát và lây lan. 
Cụ thể là, ý chí chiến lược trong phát triển của chúng ta thấp, lại bị ràng buộc những tư tưởng giáo điều đã làm nhụt đi khát vọng và tinh thần quật khởi của dân tộc; chúng ta dồn nguồn lực cho nhiều dự án công nghiệp duy ý chí thay vì đầu tư cho chăm sóc và phát triển nguồn lực con người. Bộ máy công quyền của chúng ta với một bộ phận khá đông đã trở nên vô cảm làm thui chột tính vị tha và lòng nhân ái của người dân. Tham nhũng, tiêu cực và quản lý yếu kém tạo cơ hội cho nhiều người giàu lên nhanh chóng không bằng lao động chân chính làm cho người dân càng ảo tưởng về về cách làm giàu chụp giật. Hệ thống lương bổng bất hợp lý, hệ thống luật pháp thiếu minh bạch, sự lạm dụng quyền lực khuyến khích sự gian dối và chèn ép sự ngay thẳng. Cơ chế lựa chọn và giám sát cán bộ thiếu dân chủ, khoa học sinh ra nhiều quan chức bê tha, hưởng lạc, sính phô trương và thành tích không thực chất, làm người dân, đặc biệt thế hệ trẻ, không còn thấy xấu hổ khi sa đà vào con đường này.
Nếu không có đột phá để tiết chế các điểm yếu dễ tổn thương này của dân tộc, tình thế phát triển của Việt Nam sẽ đứng trước những khó khăn còn nghiêm trọng hơn trong tương lai. Tính ảo tưởng sẽ làm nạn cờ bạc, hủ tục mê tín dị đoan, và cách làm ăn chụp giật lan tràn. Tính thiếu ngay thẳng sẽ làm tình trạng gian dối ngày càng phổ biến và ăn sâu vào mọi lĩnh vực, đặc biệt trong sản xuất và chế biến thực phẩm, giáo dục, tư pháp, và tuyển chọn-đề bạt cán bộ. Tính dễ thỏa mãn-thích hưởng lạc sẽ làm tắt ngấm mọi khát vọng đổi thay và chấp nhận sự hoành hành của nạn tham nhũng, ma túy, và mãi dâm.  
·         Vũ Minh Khương (trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore)
Nguồn: http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/2007/04/689465/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét